Sách giáo khoa triều Nguyễn dạy về Hoàng Sa, Trường Sa
![]() |
Sách giáo khoa triều Nguyễn dạy về Hoàng Sa, Trường Sa
Theo vov-Khải đồng thuyết ước 啟童說約là tập sách giáo khoa viết bằng chữ Hán và chữ Nôm ghi chép về thiên văn, địa lý, điền thổ, nhân đinh, tên các xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh thành, những nhân vật lịch sử, quốc hiệu, hình thế núi sông và bản đồ toàn quốc của Việt Nam. Tập sách này do Kim Giang Phạm Phục Trai, thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) biên soạn, Tiến sĩ Ngô Thế Vinh người Bái Dương huyện Nam Chân nhuận sắc.
Khải đồng thuyết ước được biên soạn xong vào cuối mùa xuân năm Tự Đức Quý Sửu (1853) và được in lần đầu tiên vào mùa hạ năm Tự Đức Tân Tỵ (1881). Sách chia làm 3 tập: Tý, Sửu, Dần. Tập Tý nói về thiên văn gồm tứ thời, ngũ hành, bát quái, các vì sao. Tập Sửu nói về địa hình sông núi biển đảo cùng với sự thống kê về ruộng đất, nhân đinh trong các địa phương cả nước và có bản quốc địa đồ 本國地圖 (bản đồ của toàn quốc).
Điều đáng nói nhất trong tập sách này là tấm bản đồ với tên gọi Bản quốc địa đồ. Tên gọi của bản đồ và vị trí các tỉnh thể hiện trên bản đồ trong tập sách ở Thanh Hóa cũng giống như trong các bản sách Khải đồng thuyết ước đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bản đồ đã ghi lại vị trí của tất cả các tỉnh thuộc Việt Nam bấy giờ, từ Nam Quan đến Hà Tiên. Hoàng Sa và Trường Sa cũng được ghi trên tấm bản đồ này.
Phần về Hoàng Sa được ghi là Hoàng Sa chử 黃沙渚 (Bãi cát vàng), phần ghi về Trường Sa chỉ ghi hai chữ Trường Sa長沙 và bên cạnh khuyên tròn hai chữ Trường Sa giống như khuyên tròn ba chữ Hoàng Sa chử có vẽ thêm những chấm tròn nhỏ xung quanh. Có thể hiểu những dấu chấm tròn nhỏ này như những đảo nhỏ xung quanh. Dưới phần ghi Hoàng Sa và Trường Sa có ghi hai chữ ở dưới là quốc nội 國內. Xem chi tiết tại đây.
Chung tay hành động vì biển đảo quê hương
Theo vov-Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ ngày 1-8/6, Bộ Giáo dục-Đào tạo chỉ đạo các Sở GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc tổ chức mít tinh, hội thảo, hội nghị, cuộc thi, triển lãm… với chủ đề “Chung tay hành động vì biển đảo quê hương”.
Bộ đề nghị tuyên truyền, phổ biến, vận động, giáo dục cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên và học sinh nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như tôn vinh những giá trị của đại dương đối với sự sống của nhân loại và tính cấp thiết của việc bảo vệ đại dương.
Cùng với đó, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển trong xu thế hội nhập; quảng bá thành tựu, kinh nghiệm từ phát triển kinh tế biển, hải đảo của các địa phương trong cả nước. Xem chi tiết tại đây.
Khảo sát đánh giá năng lực của lực lượng kiểm ngư
Theo dangcongsan-Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa hoàn thành dự án “Điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng tổ chức và năng lực của lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm ngư trên các vùng biển”.
Mục tiêu của dự án nhằm đánh giá thực trạng tổ chức và năng lực của lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm ngư trên biển; đồng thời, đề xuất giải pháp, chính sách phát triển hợp lý, góp phần tổ chức lực lượng kiểm ngư và hoạt động thống nhất, thực hiện tốt chức năng kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.
Bên cạnh đó, dự án còn tổng hợp kết quả khảo sát hiện trạng tổ chức, quản lý, trang bị của lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên các vùng nước từ Trung ương tới địa phương. Dự án cũng đề xuất hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan đến trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện, trang thiết bị chuyên ngành, vũ khí và công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm ngư. Ngoài ra, đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách, chế độ cho lực lượng kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương hoạt động trên các vùng biển. Xem chi tiết tại đây.
Sẽ thành lập Chi cục Kiểm ngư vùng 2 tại Khánh Hòa
Theo dangcongsan-Ngày 21/5, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã làm việc UBND tỉnh Khánh Hòa về việc chuẩn bị các yêu cầu cơ sở để thành lập Chi cục Kiểm ngư vùng 2, đặt trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa.
Đây là lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận.
Theo ông Oai, lực lượng này còn tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển; bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản của người và tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên vùng biển được phân công.
Ngoài trụ sở chính của Chi cục Kiểm ngư vùng 2 tại Khánh Hòa, đơn vị này sẽ đặt thêm 3 trạm kiểm ngư tại thành phố Đà Nẵng, đảo Đá Tây và đảo Song Tử Tây (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Xem chi tiết tại đây.
Bạc Liêu nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về biển đảo
Theo dangcongsan-Trong 2 ngày 21 - 22/5, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Trương Minh Tuấn, Phó trưởng Ban làm Trưởng đoàn đã khảo sát công tác tuyên truyền về biển đảo năm 2013 của tỉnh Bạc Liêu.
Sau khi đi khảo sát thực tế và nghe báo cáo của địa phương, Đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bạc Liêu đã đạt được trong công tác tuyên truyền về biên giới, biển đảo trong thời gian qua; đánh giá cao những cách làm sáng tạo, phong phú, sâu sát, đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Đoàn cũng góp ý một số nội dung cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn. Gợi mở một số vấn đề mà Bạc Liêu cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, các ý kiến nhấn mạnh tỉnh cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước liên quan đến vấn đề biển đảo; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và lực lượng biên phòng trong bảo vệ trật tự trị an vùng ven biển và trên biển; phát huy thế mạnh của hơn 27 ngàn gia đình văn hóa vùng ven biển, củng cố hoạt động của 498 tổ tự quản ven biển; tiếp tục phát huy thế mạnh của các kênh thông tin truyền thông trong việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo... Xem chi tiết tại đây.
Tàu ngư chính của Trung Quốc xâm nhập Trường Sa
Theo TTXVN-Tàu ngư chính Yuzheng 311 của Trung Quốc chiều 18/5 đã xâm phạm vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để thực hiện cái gọi là “bảo vệ” 32 tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động tại đây.
Theo thông tin được THX đăng tải ngày 20/5, tàu Yuzheng 311 là phiên bản nâng cấp của tàu hải quân lớp Dalang với trọng tải 4.000 tấn, và là một trong những tàu ngư chính lớn nhất của Trung Quốc và được trang bị nhiều thiết bị tối tân.
Ngày 9/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng về việc Trung Quốc cử đoàn tàu cá đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa. Nhưng rõ ràng, Trung Quốc vẫn bất chấp mọi quan ngại của phía Việt Nam để tiến xa hơn với việc cử thêm tàu ngư chính tới khu vực này.
Đây là hành động xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Và như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định, "mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan." Xem chi tiết tại đây.
Kim Anh (tổng hợp)