A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm tin tức về Lai Châu trên các báo

(laichau.gov.vn)
(laichau.gov.vn) Lai Châu: Bình yên Lai Châu; Trường đại học với việc xây dựng xã hội học tập ở Lai Châu…là những tin tức các báo viết về Lai Châu những ngày qua.

Bình yên Lai Châu

Theo Daidoanket.vn – Một điều thật thú vị ở vùng đất này là từ trung tâm thành phố, rẽ lối nào cũng đưa du khách đến những bản làng yên bình, nơi sinh sống của người Thái, Lự, Mông, Hà Nhì… trong lãng đãng sương giăng.

Tới Lai Châu ngày cuối thu, cuốn hút ánh nhìn đầu tiên của du khách về nét đẹp các dân tộc thiểu số nơi đây là bộ trang phục truyền thống rực rỡ được làm trên nền vải dệt tự nhiên, sau đó được tỉ mẩn trang trí để tạo dấu ấn. Mỗi bộ trang phục của người Hà Nhì, La Hủ, Lự,  Mông… mang giá trị văn hóa riêng biệt.

Chúng tôi chọn Gia Khâu - bản du lịch cộng đồng của người Mông thuộc xã Nậm Loỏng, TP Lai Châu để dừng chân. Ngay sát thành phố nhưng nhịp sống nơi đây khác hẳn và phù hợp với người ưa sống chậm. Người Mông ở Gia Khâu vẫn giữ gìn những tập quán canh tác và sinh hoạt từ xa xưa để lại. Bản nằm trong lòng thung lũng trù phú. Người ta ví nơi này như một viên ngọc xanh được thiên nhiên bảo bọc kỹ càng.

Hôm sau, chúng tôi tới Bản Hon, bản của những người phụ nữ nhuộm răng đen nhánh như hạt na. Cách thành phố 15 km với đường đi thuận lợi, điểm du lịch cộng đồng Bản Hon 1 và Bản Hon 2 thực sự hấp dẫn với dịch vụ homestay.

Cách làm du lịch của người Lự khá chuyên nghiệp. Bạn được trải nghiệm làm nương, cấy lúa, trồng ngô, bắt cá, hái rau rừng với đồng bào, sau đó được hướng dẫn nấu những món ăn truyền thống của người Lự. Hay bạn cũng có thể ngồi vào khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm sặc sỡ.

Còn với những người yêu hoa, bản Sin Suối Hồ quả là điểm dừng chân ngắm hoa lan lý tưởng. Sin Suối Hồ cách TP Lai Châu 33 km với đường đèo dốc quanh co, bản làng được trang trí bởi hàng nghìn chậu địa lan được đặt khắp nơi. Bản Sin Suối Hồ có hơn 100 ngôi nhà trình tường, lợp ngói cổ kính với những bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của người Mông.

Còn một điểm độc đáo là nét văn hoá chợ phiên Tây Bắc vẫn được gìn giữ tại chợ Tam Đường Đất. Một tuần chợ họp hai buổi vào sáng thứ 5 và chủ nhật, nhưng phiên chính là chủ nhật. Chợ Tam Đường Đất hay còn có tên khác là chợ Sang Thàng vẫn còn ít du khách biết tới.

Chỉ nhìn sự khác biệt trên trang phục truyền thống của những người đi chợ bạn cũng đã hoa mắt để phân biệt. Thú vị hơn họ mang đến đây vô số sản vật núi rừng và nông sản tự làm ra để trao đổi. Có rất nhiều sản vật lạ được mang đến chợ mà người dân tộc cũng không thể dịch ra tiếng Kinh.

Xem tin gốc tại đây.

Trường đại học với việc xây dựng xã hội học tập ở Lai Châu

Theo nhandan.com.vn - Sáng 10-11, tại TP Lai Châu, Trường đại học Mở Hà Nội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu tổ chức hội thảo khoa học: “Vai trò của trường đại học và hệ thống giáo dục thường xuyên với việc xây dựng xã hội học tập tại tỉnh Lai Châu”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Vũ Văn Hoàn cho biết, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đối với giáo dục và đào tạo, trong đó có vấn đề xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đối với tỉnh Lai Châu là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, dân trí chưa đồng đều…, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời càng trở nên quan trọng. Kể từ khi thành lập đến nay, tỉnh Lai Châu đã có những bước phát triển đáng kể khi tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm qua luôn đạt mức 9%-11%/năm; năm 2015 ra khỏi tình trạng tỉnh kém phát triển; thu ngân sách năm 2004 mới đạt 29 tỷ đồng thì năm 2017 đã đạt hơn hai nghìn tỷ đồng (tăng gần 100 lần); toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học năm 2000, phổ cập THCS năm 2009 và phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi năm 2015. Toàn tỉnh hiện đang tập trung phát huy các lợi thế cho phát triển kinh tế -xã hội như: Phát triển nông nghiệp chất lượng cao với các sản phẩm như lúa, chè, mắc-ca, dược liệu…; tiềm năng thủy điện; kinh tế biên mậu; du lịch sinh thái… Điều đó đặt ra nhu cầu học tập trong mỗi cán bộ người dân trong xây dựng xã hội học tập là rất lớn. Vì vậy, hội thảo sẽ giúp củng cố lý luận và thực tiễn cho xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục đến từ các trường đại học: Sư phạm Hà Nội, Nông lâm Thái Nguyên, Mở Hà Nội, các giảng viên, giáo viên các cơ sở giáo dục thường xuyên tỉnh Lai Châu đã trình bày, đưa ra các phân tích, đánh giá, nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho việc xây dựng xã hội học tập nói chung, xây dựng xã hội học tập của Lai Châu nói chung. Trong đó tập trung vào vai trò, trách nhiệm của trường đại học trong việc cung ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân; xây dựng xã hội học tập trong thời đại 4.0; vai trò của trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp trong xây dựng xã hội học tập của tỉnh Lai Châu; vai trò giáo dục mở trong xây dựng xã hội học tập tại lai Châu; nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên- hướng nghiệp; thực tiễn xây dựng môi trường học tập dựa trên công nghệ ở Lai Châu

Xem tin gốc tại đây.

Huyện Than Uyên (Lai Châu) giao rừng đến tận hộ dân để bảo vệ rừng

Theo baotintuc.vn - Thời gian qua, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu) đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc khoanh nuôi, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng.

Nhờ đó, những cánh rừng ngày càng phát triển xanh tốt, tạo môi trường sinh thái, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là hộ nghèo.

Tại các xã Hua Nà, Mường Cang, Phúc Than, Ta Gia, Khoen On, huyện Than Uyên, những cánh rừng xanh bạt ngàn đang phủ trống đồi núi trọc. Việc khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng được các xã ở huyện Than Uyên giao đến từng thôn, bản, hộ gia đình (là các chủ rừng).

Theo lãnh đạo UBND huyện Than Uyên, những hộ dân nhận chăm sóc, bảo vệ rừng đã coi rừng là báu vật, không chỉ điều hòa khí hậu, giữ nước mà việc giữ rừng tốt còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Ở các thôn, bản, khu dân cư, người dân đã cùng nhau giữ rừng, thường xuyên phát dọn thực bì phòng cháy chữa cháy dưới tán cây rừng. Người dân luôn có ý thức trong việc giữ rừng, coi đó là tài sản chung của gia đình, dòng họ, thôn, bản.

Ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng; tạo động lực thúc đẩy thực hiện công tác giao đất, giao và khoán quyền sử dụng rừng ổn định lâu dài cho tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, chính sách này giúp người dân có thêm thu nhập bền vững, rừng được giữ tốt hơn, giúp cân bằng môi trường sinh thái, hạn chế tác hại của thiên tai; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 24,44%.

Xem tin gốc tại đây.

Nguyễn Hà TH


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.633
Hôm qua : 4.225
Tháng 01 : 119.724
Năm 2025 : 119.724
Tổng số : 84.076.657