A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Treo bản đồ Việt Nam trong các trường học

(laichau.gov.vn)
Treo bản đồ Việt Nam trong các trường học; Đa số học sinh Hà Nội chọn thi Vật lý, Hóa học tốt nghiệp; Hồ sơ tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển nộp trước 20/6; Né 'vì lợi nhuận', trường tư khó phát triển... là những tin tức giáo dục đáng chú ý ngày qua.

Treo bản đồ Việt Nam trong các trường học

Các bản đồ có hình ảnh nổi bật về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kèm theo chú thích về tầm quan trọng của 2 quần đảo này. Từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) sẽ được trang bị từ 1 - 2 tấm bản đồ Việt Nam với kích thước lớn, có hình ảnh nổi bật về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kèm theo chú thích về vị trí địa lý, vai trò và tầm quan trọng của 2 quần đảo này. Huyện ủy Sông Hinh vừa chỉ đạo ngành Giáo dục của huyện này thực hiện chủ trương trên đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2014), nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người, nhất là các thế hệ học sinh, những công dân tương lai của đất nước biết được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển - đảo Việt Nam, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó bồi dưỡng, giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước ta trong thời đại mới. Theo vov.vn. Xem chi tiết tại đây!

Đa số học sinh Hà Nội chọn thi Vật lý, Hóa học tốt nghiệp

Tại nhiều trường, ngoài 50-70% học sinh chọn thi Vật lý, Hóa học, còn lại là chọn Ngoại ngữ, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Còn gần 2 tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014. Để chuẩn bị cho kỳ thi đạt kết quả tốt, các trường THPT tại Hà Nội đang lên kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh. Theo phản ánh của nhiều trường, do năm nay học sinh được lựa chọn môn thi dẫn đến tình trạng môn thì có quá nhiều học sinh đăng ký, môn thì lại có quá ít học sinh khiến cho việc phân lớp của các trường gặp khó khăn.

Khảo sát tại một số trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Đinh Tiên Hoàng, Chương Mỹ A, Sóc Sơn... cho thấy, hầu hết môn học học sinh lựa chọn là Vật lý, Hóa học (chiếm từ 50-70%), còn lại là các môn Ngoại ngữ, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Ngay sau khi có kết quả đăng ký thi tốt nghiệp, nhiều trường đã lên phương án tổ chức ôn thi để đảm bảo đúng tiến độ ôn tập cho học sinh. Theo đó, các trường đều tổ chức ôn thi chung hai môn Văn và Toán cho học sinh. Còn những môn tự chọn, học sinh tự đăng ký theo lịch của trường.

Ông Ngô Sỹ Bình, Phó Hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn Hà Nội cho biết: “Hiện, ngoài Toán và Văn, nhà trường tổ chức các lớp ôn thi mà các em đăng ký và lên phương án để cùng với cha mẹ học sinh tổ chức lớp ôn cho các em ngoài giờ để làm sao đạt được kết quả tốt nhất. Với số lượng đăng ký tự chọn như năm nay, nhà trường cũng gặp những khó khăn nhất định. Bởi vì số lượng các em tham dự các lớp sẽ không đồng đều”.

Việc bố trí lớp ôn tập đối với các môn tự chọn sao cho phù hợp, không chồng chéo thời gian cũng đang là vấn đề các trường phải tính toán, cân nhắc. Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Hiệu trưởng trường THPT Chương Mỹ A cho biết, trường đang lên phương án để lựa chọn cách tổ chức ôn tập đảm bảo phân bố thời gian hợp lý, phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, nhất là học sinh dưới trung bình và yếu. Theo vov.vn. Xem chi tiết tại đây!

Hồ sơ tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển nộp trước 20/6

Thí sinh nằm trong diện tuyển thẳng làm một bộ hồ sơ gửi về sở GD&ĐT trước ngày 20/6. Nếu muốn dự thi thì thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển cùng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ về Sở đến hết ngày 17/4. Bộ GD&ĐT vừa có văn bản hướng dẫn tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2014. Theo đó, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông, được tuyển thẳng vào đại học các ngành đúng hoặc ngành gần với môn thí sinh đoạt giải. Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học phổ thông, được tuyển thẳng vào cao đẳng các ngành đúng hoặc ngành gần với môn thí sinh đoạt giải.

Đối với thí sinh đoạt giải trong Hội thi khoa học kĩ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức thì căn cứ vào kết quả dự án, đề tài nghiên cứu khoa học kĩ thuật của thí sinh đoạt giải, giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng xem xét tuyển thẳng vào ngành học phù hợp với kết quả dự án hoặc đề tài mà thí sinh đoạt giải.

Theo quy định của Bộ, thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ tổ chức, nếu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông được bảo lưu sau khi tốt nghiệp. Theo vnexpress.net. Xem chi tiết tại đây!

Né 'vì lợi nhuận', trường tư khó phát triển

Theo GS Phạm Phụ, ĐH Bách khoa TPHCM, thì cần minh bạch khái niệm và cơ chế lợi nhuận trong giáo dục đại học tư thục hiện nay. “Né tránh khái niệm “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” trong giáo dục nói chung dường như đã góp phần khiến cho gần 20 năm nay việc triển khai mô hình đại học NCL luôn gặp trở ngại. Chính vì vậy chúng ta cần làm rõ các khái niệm này, chỉ ra nguyên nhân vì sao lại như vậy và điều mà chúng ta có được từ đó là gì khi mà “mảng mờ” này trong giáo dục đào tạo được minh bạch”. Phân tích một loạt các văn bản chỉ đạo của nhà nước trong những năm gần đây, ông Lê Viết Khuyến, nguyên vụ phó Vụ Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: Định hướng cho hoạt động của các trường ĐH tư thục là Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành tại quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế thay thế ban hành tại Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009, được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. “Cả hai quy chế này đều quy định các trường ĐH tư thục được xây dựng theo cơ chế cổ phần, cổ đông và có chia lợi nhuận cho những người góp vốn, không nhắc đến các thành phần đại diện cho đội ngũ giáo chức, sinh viên. Rõ ràng là khái niệm đại học tư thục thể hiện ở các quy chế nói trên đều mang đậm nét bản chất “vì lợi nhuận”” – ông Khuyến nhận xét. Với sự ra đời của các quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục, cho đến cuối năm học 2005 – 2006, trong khu vực giáo dục đại học NCL chỉ còn hai loại hình trường dân lập (19 trường) và tư thục, trong đó loại hình đầu còn mang một số sắc thái “không vì lợi nhuận”, song loại hình sau đã chuyển hẳn qua cơ chế vì lợi nhuận.

Với quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển toàn bộ 19 trường ĐH dân lập qua loại hình ĐH tư thục, trong khu vực giáo dục đại học, các yếu tố “không vì lợi nhuận” đã dần được thay thế bằng các yếu tố “vì lợi nhuận”. Theo vietnamnet.vn. Xem chi tiết tại đây!

Đinh Lan TH


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.130
Hôm qua : 7.173
Tháng 02 : 118.315
Năm 2025 : 268.999
Tổng số : 84.225.932