• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng bộ tỉnh Lai Châu - 74 năm, chặng đường lịch sử vẻ vang

(laichau.gov.vn)

Lai Châu là mảnh đất vùng biên viễn phía Tây Bắc của Tổ quốc. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn bền gan vững chí, kề vai sát cánh bên nhau cùng xây dựng và bảo vệ quê hương.

 

Đảng bộ tỉnh lãnh đạo Nhân dân các dân tộc Lai Châu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng qua các thời kỳ

Nửa đầu thế kỷ XX, nhân dân các dân tộc Lai Châu phải sống kiếp nô lệ dưới ách cai trị, bóc lột nặng nề của bọn thực dân, phong kiến. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, động viên phong trào cách mạng của địa phương, cử các đội xung phong mở đường vào vùng sau lưng địch gây dựng cơ sở cách mạng. Ngày 10/10/1949, tại Bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Yên Bái - Ban Cán sự Lai Châu, tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh ngày nay. Sự ra đời của Ban cán sự Lai Châu đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển cách mạng của. Trải qua 74 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh không ngừng trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng qua các thời kỳ.

Chặng đường thứ nhất (1949 - 1975), Đảng bộ tỉnh lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đứng lên chiến đấu để giải phóng quê hương góp phần to lớn và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Trên chặng đường đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, Đảng bộ tỉnh luôn giữ vững và giương cao ngọn cờ cách mạng của Đảng; chủ động, sáng tạo vận dụng và thực hiện đường lối, phương châm của Trung ương, Khu ủy; kết hợp nhuần nhuyễn việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: vừa chiến đấu vừa xây dựng, vừa xây dựng vừa chiến đấu.

Giai đoạn 1949 - 1954, Ban Cán sự Lai Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Liên khu ủy 10 giao đó là việc gây cơ sở quần chúng tạo điều kiện tiến tới lãnh đạo Nhân dân võ trang tranh đấu thu phục lại toàn bộ đất đai, tạo tiền đề cho Ban Cán sự lãnh đạo Nhân dân các dân tộc cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Giai đoạn 1955 - 1975, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Khu ủy, Đảng bộ đã quán triệt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, từng bước vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Lai Châu, lãnh đạo Nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu, ra sức khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, hoàn thành cơ bản cuộc vận động hợp tác hóa, định canh, định cư trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; làm tròn nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào.

Chặng đường thứ hai (1975 - 2003), Đảng bộ tỉnh lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng Nhân dân cả nước tiếp tục công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện đường lối đổi mới và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - là mốc son chói lọi, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo Nhân dân các dân tộc Lai Châu cùng với cả nước bước vào thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh; bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới của Tổ quốc; thực hiện nghĩa vụ quốc tế, đoàn kết, hợp tác với các tỉnh bắc Lào, góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt - Lào.

Giai đoạn 1986 - 2003, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới toàn diện do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra, được Đại hội Đảng lần thứ VII bổ sung và phát triển, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng nắm bắt đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, coi đổi mới là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa sống còn của sự nghiệp cách mạng; đồng thời xác định: phải đổi mới toàn diện, có nguyên tắc, có bước đi vững chắc phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đó là con đường duy nhất đúng đắn để từng bước đưa Lai Châu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (tháng 9/1991) đã xác định lại cơ cấu kinh tế là nông - lâm - công nghiệp khai khoáng, chế biến và dịch vụ. Coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu để phát triển nên từ chỗ sản xuất lương thực chưa đáp ứng đủ tiêu dùng thì đến năm 1995 đã đảm bảo đủ lương thực tại chỗ và có phần bán ra ngoài tỉnh. Chuyển dịch từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế có tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Những thành tựu đạt được sau gần 20 năm đổi mới của tỉnh đã tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chặng đường thứ ba (2004 - 2023), Đảng bộ lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

Năm 2004, sau chia tách, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo cao, tổ chức bộ máy và cán bộ đang được kiện toàn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa XI - XIV, Đảng bộ tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, chú trọng công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 3,91%/năm; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 47,45 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 ước đạt trên 2.100 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,4%/năm. Giá trị tổng sản phẩm nông nghiệp tăng bình quân 4,5%/năm, chiếm khoảng 15% trong cơ cấu GRDP. Toàn tỉnh có 41,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, chiếm 38% cơ cấu GRDP. Ngành Du lịch có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng bình quân đạt 33,2%/năm. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư.

Chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng, phát triển đi vào chiều sâu.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ. Công tác tư tưởng có nhiều đổi mới, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tổ chức bộ máy cán bộ được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 551 tổ chức cơ sở đảng, 3 đảng bộ bộ phận, 1.902 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận; 30.693 đảng viên. Công tác dân vận, kiểm tra, giám sát, nội chính và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể có nhiều đổi mới, thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Trải qua 74 năm, xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh, có thể khẳng định trong từng giai đoạn lịch sử, với truyền thống đoàn kết, thống nhất; với tinh thần quyết tâm, Đảng bộ tỉnh đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong các phong trào cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị qua các thời kỳ. Quá trình lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị trong 74 năm qua đã để lại những bài học quý báu: Luôn luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời phải nắm vững đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương để vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Chủ động, tích cực phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và sự ủng hộ của các tổ chức, các địa phương khác, trong đó, phát huy nội lực là yếu tố chủ chốt, quyết định. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng bộ về chính trị, tư tưởng và tổ chức, luôn xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị; chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, đảm bảo anh ninh chính trị, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước. Thường xuyên quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, chung sức vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong từng giai đoạn cách mạng.

74 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đóng góp trí tuệ, mồ hôi, xương máu viết nên những trang sử vẻ vang của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ quê hương. Đó là hành trang quý báu, là niềm tự hào và nguồn cổ vũ to lớn để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng Lai Châu ngày càng giàu đẹp./.

Cập nhật 9/10/2023.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.558
Hôm qua : 9.410
Tháng 04 : 199.798
Năm 2024 : 871.388
Tổng số : 82.337.481