• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cùng nông dân phát triển kinh tế và bảo vệ vùng biên

(laichau.gov.vn)
Để khuyến khích nông dân ở biên giới tích cực phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc vùng biên, những năm qua Hội Nông dân huyện Phong Thổ tích cực phối hợp với các Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Qua đó, đời sống nông dân khu vực biên giới từng bước được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày phát triển.

Nông dân Phong Thổ thăm mô hình trồng cây ăn quả ôn đới

Ông Teo Văn Kho - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Thổ cho biết: Là huyện có 98,95km đường biên giới giáp với huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và có 18 xã, thị trấn (trong đó 13 xã biên giới; 14/18 xã đặc biệt khó khăn). Nhận thức rõ vị trí, vai trò và chức năng nhiệm vụ của công tác Hội và phong trào nông dân trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở Hội ở các xã biên giới phối hợp với lực lượng vũ trang trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, tập trung tuyên truyền thực hiện Quyết định số 1160 - QĐ/HU, ngày 18/10/2016 về việc ban hành Đề án “Phát triển kinh tế các xã vùng biên giới giai đoạn 2016 - 2020” gắn với tổ chức thực hiện các phong trào lớn của Hội như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng an ninh”...

Trong phong trào phát triển kinh tế, Hội phối hợp với lực lượng vũ trang đẩy mạnh Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” bằng việc làm thiết thực như: Tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi (trồng xen cây thảo quả, cây sa nhân trên đất rừng, trồng cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi gia súc, gia cầm). Đồng thời, phát triển các mô hình kinh tế trang trại do quân dân phối hợp như: Mô hình Hợp tác xã Đoàn kết Hùng Pèng ở xã Ma Ly Pho do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đầu tư giao cho Đồn Biên phòng Ma Ly Pho trực tiếp quản lý và có hơn 50 hộ nông dân tham gia chăn nuôi bò sinh sản, nuôi gia cầm. Từ 15 con bò giống ban đầu, đến nay phát triển hơn 50 con và hàng trăm con gia cầm vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân vừa bảo vệ được đường biên mốc giới, thắt chặt thêm mối quan hệ tình quân dân nơi biên giới.

Ngoài phối hợp với các đồn biên phòng, Hội Nông dân huyện còn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức 273 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... cho 8.766 lượt hội viên, nông dân tham gia. Đồng thời, đứng ra ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ 92,803 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Điển hình như ông Phàn Vần Sinh ở xã Sì Lở Lầu, nhờ được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, ông Sinh đã sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, rừng để phát triển kinh tế gia đình bằng việc thâm canh tăng vụ diện tích đất nông nghiệp, nhờ đó mỗi năm thu về từ 3 - 5 tấn lương thực. Đồng thời, nhận khoán và bảo vệ 10ha rừng kết hợp trồng cây thảo quả. Hiện nay, thu nhập gia đình ông từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ có gia đình ông Sinh mà nhiều tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở các xã vùng cao biên giới đã và đang phát huy hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn như gia đình các ông: Giàng A Da, Chang A Sà, Phàn Tờ Lìn (xã Huổi Luông), Thào A Páo (xã Dào San)... với mô hình phát triển kinh tế trang trại trồng chuối, trồng ngô và kinh doanh tổng hợp, thu nhập bình quân từ 300 - 500 triệu đồng/năm.

Các Đồn biên phòng, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 cũng đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân học tập nội dung Nghị định số 34/NĐ - CP của Chính phủ về Quy chế biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc; nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đấu tranh phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em qua biên giới, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân không vượt biên trái phép, không tuyên truyền đạo trái pháp luật... Đấu tranh tố giác các loại tội phạm, chấp hành Luật Giao thông đường bộ, vận động các đối tượng nghiện hút đi cai nghiện tại cộng đồng. Qua đó, nhiều hội viên nông dân ở các xã biên giới tích cực phối hợp với các ngành chức năng cảm hóa giáo dục 365 đối tượng, ngăn ngừa 52 vụ phạm pháp; phối hợp giải quyết 206 vụ mâu thuẫn tranh chấp; vận động 25 hộ/120 nhân khẩu theo đạo trái pháp luật trở về phong tục tập quán. Đồng thời, phối hợp với bộ đội biên phòng tổ chức hơn 390 buổi tuần tra biên giới có 2.340 lượt hội viên tham gia, cung cấp hơn 1.350 tin có giá trị cho cơ quan công an về an ninh trật tự.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Hội Nông dân huyện Phong Thổ tiếp tục phối hợp với các Đồn Biên phòng đứng trên địa bàn vận động nông dân phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng biên giới ngày càng phát triển, vững mạnh.

Ánh Hồng


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.243
Hôm qua : 8.531
Tháng 05 : 61.383
Năm 2024 : 949.695
Tổng số : 82.415.788