Hiệu quả bước đầu từ Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung
Một góc vùng chè tập trung tại huyện Tân Uyên |
Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2016-2020 được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành ngày 15/7/2016. Ngay sau khi Đề án được ban hành, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 28/7/2016 thông qua Đề án; Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1232/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 về Kế hoạch thực hiện Đề án 174. Các cấp, các ngành các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Đề án 174 phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, đơn vị. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển hạ tầng thiết yếu nông nghiệp, nông thôn.
Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Sau gần 3 năm thực hiện đề án đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đang hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng chủ động đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, phát triển vùng chè theo hướng mở rộng diện tích. Tổng diện tích chè trên địa bàn tỉnh ước đạt 6.185 ha, đạt 103% mục tiêu của đề án. Giai đoạn 2016-2018, đã trồng mới được 2.694 ha; sản lượng chè búp tươi 9 tháng năm 2018 ước đạt 25.530 tấn, cả năm 2018 ước đạt 28.000 tấn. Vùng chè sản xuất tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Uyên với diện tích 2.854ha, Than Uyên 724ha, Tam Đường 1.423ha… Các giống chè chất lượng như tuyết Shan, Kim tuyên và PH8 được đưa vào trồng tại các địa bàn có diện tích lớn, tập trung. Giá chè búp tươi luôn ở mức cao, người nông dân tích cực đầu tư chăm sóc, vì vậy năng suất chè búp tươi luôn đạt ở mức 88,1 - 90,6 tạ/ha, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng chè.
Song song với việc đầu tư, thâm canh tăng năng suất, công tác đổi mới công nghệ chế biến và mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè chất lượng cao cũng được quan tâm thực hiện. Trong thời gian thực hiện đề án đã xây dựng hồ sơ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 02 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “CHÈ TAM ĐƯỜNG“ và “CHÈ TÂN UYÊN“. Toàn tỉnh hiện có 170,7 ha chè được chứng nhận Rainforest Alliance (sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững); 30,7 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 35 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Cùng với phát triển cây chè thì công tác xây dựng cánh đồng lúa sản xuất tập trung cũng được quan tâm. Cánh đồng sản xuất tập trung chủ yếu ở địa bàn 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường với 1.995 ha, đạt 84,89% so với mục tiêu của Đề án. Ước đến hết tháng 9 năm 2018 sản lượng đạt 7.470 tấn. Đặc biệt, huyện Than Uyên hiện đã có hợp tác xã Thanh Xuân, HTX Thanh Niên - Mường Cang bước đầu thực hiện liên doanh, liên kết với người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm từ sản phẩm từ lúa, gạo trên địa bàn huyện; đã xây dựng nhãn hiệu thương phẩm cho sản phẩm gạo Séng Cù Than Uyên, đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận. Huyện Tân Uyên cũng đã xây dựng và được cấp có thẩm quyền công nhận 02 nhãn hiệu gạo Khẩu Ký và Nếp tan Co Giàng.
Phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp
Cùng với việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, cơ sở hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất tập trung cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân mở rộng sản xuất, đầu tư thâm canh và áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào phát triển sản xuất, từng bước nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất. Trong đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, thủy lợi tại những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh. Đã đầu tư mở mới được 32 km đường trục chính hạ tầng vùng chè theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B, đạt 25,8% so với mục tiêu của đề án. Tổng mức đầu tư 84.988,8 triệu đồng. Đầu tư nâng cấp, mở mới được 169,4 km đường nội đồng vùng chè, đạt 39,9 % mục tiêu của đề án; và 10,3km km đường nội đồng vùng lúa, đạt 25,1 % mục tiêu của đề án. Thực hiện đầu tư xây dựng mới 01 cầu cứng Mít Nọi - Pắc Ta dài 30m, từ nguồn vốn tái định cư với tổng kinh phí 6.574 triệu đồng, đạt 100% mục tiêu đề án.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” và chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn 2016-2017, đã huy động được trên 9.628 triệu đồng từ việc tham gia đóng góp của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu khu sản xuất hàng hoá tập trung. Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 03 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Nhân dân các vùng sản xuất tập trung cũng đã tích cực tham gia đóng góp ngày công, vật liệu, hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất.
Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng thiết yếu tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung dần được hình thành, bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại và lưu thông hàng hóa, đầu tư thâm canh các loại cây trồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất mà còn rút ngắn thời gian canh tác. Đồng thời, nâng cao trình độ cho nông dân về sản xuất thâm canh, phát triển lúa, chè chất lượng cao theo hướng hàng hóa, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần đẩy nhanh xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người nông dân. Việc tổ chức sản xuất đã có sự gắn kết chặt chẽ từ phát triển vùng nguyên liệu tập trung đến chế biến, bảo quản tại chỗ gắn với thị trường tiêu thụ. Qua đó, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 5 - 6%/năm. Năm 2017 tổng giá trị sản xuất chè khô đạt 5.000 tấn, tiêu thụ trong nước 3.000 tấn, giá trị 140 tỷ đồng, xuất khẩu 2.000 tấn, giá trị 4,4 triệu USD (xuất khẩu tại các thị trường như Đài Loan, Pakitstan, Afghanistan,...). 9 tháng năm 2018 chè tiêu thụ trong nước đạt 2.246 tấn giá trị 105 triệu đồng, xuất khẩu 1.700 tấn, giá trị 3,79 triệu USD. Thu nhập bình quân từ chè ước đạt 30 triệu đồng/hộ/năm.
Giải pháp đạt mục tiêu đề án
Sau 3 năm triển khai Đề án đã có 10/13 đạt mục tiêu kế hoạch, vẫn còn 3 chỉ tiêu như: Đường trục chính hạ tầng vùng chè theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B; đường giao thông nội đồng ở các vùng sản xuất hàng hóa chè, lúa đạt thấp… Nguyên nhân do nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung là rất lớn, suất đầu tư cao. Hàng năm việc bố trí vốn đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu và duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư còn hạn chế. Việc huy động nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và của cộng đồng dân cư cho đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn nói chung còn thấp…
Để đạt được mục tiêu đề án, thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung của Đề án. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Vận dụng linh hoạt lồng ghép nguồn vốn đầu tư nâng cấp, cứng hóa các tuyến đường đã được mở mới, phát huy hiệu quả công trình; có chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô nhà xưởng, nâng cấp dây truyền sản xuất tiên tiến, chất lượng cao trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tích cực vận động Nhân dân đóng góp và các nguồn lực xã hội hóa khác để đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới…
Với những giải pháp trọng tâm, cụ thể, tin rằng đề án sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thu Huyền