• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Người cao tuổi làm kinh tế giỏi

(laichau.gov.vn)
Trong 5 năm qua (2012-2017), phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của người cao tuổi tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa nhanh trong vi phạm toàn tỉnh, xuất hiện ngày càng nhiều người cao tuổi tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi trên tất cả lĩnh vực và trở thành phong trào thi đua sôi nổi ở các cấp Hội Người cao tuổi.  

Người cao tuổi xã San Thàng, thành phố Lai Châu cho cá ăn.

Người cao tuổi phát triển kinh tế đa dạng trên các lĩnh vực

Toàn tỉnh hiện có hơn 30 ngàn hội viên người cao tuổi, trong đó có hơn 15.300 người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Nhiều hội viên có kiến thức, kinh nghiệm đã đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao trên các lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Qua tổng kết và bình xét ở các cấp, toàn tỉnh có 226 người cao tuổi làm chủ trang trại, làm chủ doanh nghiệp; 985 người đạt tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi; có 43 người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và có 270 người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện... Các mô hình phát triển kinh tế của người cao tuổi đã tạo việc làm cho gần 3.000 lao động là người địa phương.

Những năm qua, bám sát vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, quy hoạch sản xuất nông-lâm nghiệp, Hội Người cao tuổi các cấp đã vận động cán bộ, hội viên khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Người cao tuổi các cấp đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như phát triển kinh tế trang trại, chú trọng phát triển vùng cây công nghiệp tập trung như cao su, chè chất lượng cao, đưa các cây con giống có năng cao vào sản xuất, nhiều hộ người cao tuổi có thu nhập từ 200 đến hơn 300 triệu đồng/năm. Trên lĩnh vực này tiêu biểu là ông Lù A Phủ 65 tuổi dân tộc Mông, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Khun Há và ông Nguyễn Văn Cận, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường…

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cũng được người cao tuổi ở các địa phương chú trọng thực hiện. Những năm qua, một số ngành, nghề có bước phát triển nhanh như sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, phát triển các ngành nghề truyền thống, công nghiệp chế biến như chế biến chè, miến dong, chế biến lương thực, thực phẩm. Nhiều người cao tuổi đã thành lập doanh nghiệp, mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại đưa vào sản xuất góp phần tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Điển hình trong lĩnh vực này là ông Đỗ Xuân Tuyết, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ nhận thi công các công trình dân dụng, lợi nhuận mỗi năm đạt từ 300-400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho trên 100 lao động địa phương; ông Bùi Xuân Thơ, xã Mường So, huyện Phong Thổ với mô hình xây dựng các công trình dân dụng gắn với khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ ươm giống cây trồng, vật nuôi, trồng rừng, lợi nhuận bình quân mỗi năm trên 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50-80 lao động địa phương với thu nhập trung bình trên 6 triệu đồng/tháng.

Song song với phát triển sản xuất, những năm qua người cao tuổi các cấp đã chú trọng phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, nhất là các ngành cung ứng vật tư, cây con giống phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, cung cấp hàng hóa phục vụ đời sống cho Nhân dân, tiêu biểu là ông Phạm Thanh Liêm 65 tuổi, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu với mô hình kinh doanh dịch vụ đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giá trị 12 tỷ đồng, lợi nhuận thu được hàng năm đạt hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 8 lao động là người địa phương; bà Ngô Thị Thêm, thị trấn Sìn Hồ với mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp, mỗi năm đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng...

Gương sáng trong phát triển kinh tế                                                                                                                          

Trong những năm gần đây, quy mô vùng chè nguyên liệu của huyện Tân Uyên phát triển nên nguồn nguyên liệu nhiều. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu ông Trần Đức Hưởng, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên đã xây dựng một xưởng sản xuất chè mi ni để tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn huyện. Đến nay, xưởng chế biến chè xanh-đen của ông có tổng số vốn đầu tư trên 6,5 tỷ đồng với công suất 10 tấn chè búp tươi/ngày.  

Ông rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm, nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào. Việc mua chè búp tươi được ông ký hợp đồng mua bán với từng hộ dân để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè được áp dụng theo đúng tiêu chí của Bộ Nông nghiệp hướng dẫn, đồng thời thực hiện chặt chẽ các khâu quy trình chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, trong những năm gần đây sản phẩm của xưởng sản xuất ra đều đáp ứng nhu cầu của khách hàng, kể cả khách hàng nước ngoài khó tính như Đài Loan. Năm 2017, tổng doanh thu của gia đình ông là 7.5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất ông còn lãi 550 triệu đồng, tạo việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018 đã có 150 hộ ký hợp đồng bán chè búp tươi với xưởng chế biến với tổng diện tích 180 ha, ước tính sản lượng chè búp tươi là 1.400 tấn.

Còn ông Lò Văn Chổ, Chi hội phó Hội Người cao tuổi bản Mường 1, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, xuất phát từ gia đình thuần nông, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi nhưng chỉ đủ ăn. Ông đã suy nghĩ để chuyển đổi cách làm ăn và bán hết trâu, bò, lợn, dê lấy tiền mua máy sản xuất gạch bán cho người dân trong xã và ở khu vực lân cận. Trong quá trình sản xuất, ông lấy chất lượng sản phẩm và giá cả hợp lý đặt lên hàng đầu nên sản phẩm của gia đình ông đã được người dân tin dùng. 

Hàng năm, ông đã tăng cường mua máy mới hiện đại hơn để thay thế máy cũ, mở rộng diện tích xưởng, nhà kho chứa vật liệu, bảo quản và cất giữ vật liệu cẩn thận. Vì vậy, sản phẩm của ông được người dân tin dùng. Xưởng của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người. Tổng doanh thu trong 5 năm từ 2012-2017 là 5,1 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân trên 300 triệu đồng/năm, riêng năm 2017 lợi nhận thu được trên 700 triệu đồng. Bản thân ông và gia đình luôn chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; gương mẫu đi đầu trong các phong trào, trong phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới gia đình ông đã góp hơn 100m2 đất cho thôn bản làm đường nông thôn.

Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của người cao tuổi đã góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng-dịch vụ giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Phong trào đã tác động tích cực đến cán bộ, hội viên người cao tuổi tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có gần 200 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương. Đặc biệt, phong trào đã góp phần làm phong phú hơn nội dung Phong trào thi đua “Tuổi cao-gương sáng” do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động. Thời gian tới, Hội Người cao tuổi các cấp tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào thi đua người cao tuổi sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất, có những đóng góp thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII./.

Phương Lý - TP Lai Châu


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.347
Hôm qua : 6.832
Tháng 01 : 86.402
Năm 2025 : 86.402
Tổng số : 84.043.335