• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

"Điện Biên Phủ trên không": Con người đã thắng vũ khí!

(laichau.gov.vn)
Nhớ một thời cả nước hướng về Thủ đô yêu dấu; Sinh viên An ninh đạt giải đặc biệt tìm hiểu 'Điện Biên Phủ trên không'; "Điện Biên Phủ trên không": Con người đã thắng vũ khí!... là những thông tin đang được mọi người quan tâm về 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Khát vọng chiến thắng tạo nên một trận địa vững chắc

Theo TTXVN-Trong cuộc chiến không cân sức về phương tiện chiến đấu, điều kiện chiến đấu nhưng quân dân Hà Nội tạo ra chiến thắng ngoạn mục, bẻ cong nguyên lý: Mạnh thắng yếu, nhiều thắng ít.

Chính bởi lẽ đó, cuộc không kích của một lực lượng vũ khí trang bị kỹ thuật lớn chưa từng có, gồm 193 máy bay chiến lược B52, 1077 máy bay chiến thuật và hơn 15.000 tấn bom đạn, đã bị quân dân Hà Nội đập tan. Đó là sức mạnh của lòng quả cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng và hơn tất cả, là khát vọng chiến thắng tạo nên một trận địa vững chắc.

Nói về những phút giây chiến đấu với B52 trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, Đại tá Trần Hữu Hội, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 86, Trung đoàn 274 (Đoàn tên lửa Hùng Vương) khẳng định: “Thời điểm đó, bộ đội sống rất gian khổ nhưng ngược lại tinh thần chiến đấu rất cao. Với máy bay B52, sức chiến đấu của nó gấp 30 lần máy bay F. Nếu anh em chiến sỹ không chịu đựng gian khổ, không dám hy sinh, không mưu trí thì không thể đánh thắng.”

Trong những thời khắc chiến đấu ác liệt nhất cũng là lúc tinh thần mọi người lên cao nhất, chỉ với mục đích duy nhất chiến đấu vì tự do, vì bình yên cho thành phố. Mưa bom, lửa đạn dù khốc liệt đến đâu cũng không bào mòn tinh thần chiến đấu của chiến sỹ. Trong đó, gương chiến đấu dũng cảm, chấp nhận hy sinh của Trung đội trưởng Bệ đạn, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn tên lửa 257, Sư đoàn phòng không 361 Nguyễn Văn Hảo là một điển hình đáng trân trọng. Đó là ngày 28/12, khi đang trong thời gian nghỉ giải quyết việc riêng, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Hảo nghe tin máy bay B52 đánh bom Hà Nội đã từ quê Quảng Ninh lên tham gia chiến đấu. Anh đã trúng bom và hy sinh tại chỗ.

Đã qua 40 năm trận chiến Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, những nhân chứng tham gia trong 12 ngày đêm lịch sử vẫn còn vang mãi dư âm của khí thế chiến đấu, chiến thắng ngày nào. Khi được hỏi, ai ai cũng đều chung một suy nghĩ: Sao lúc đó dũng cảm, hăng hái thế, cận kề cái chết vẫn cứ xông lên, gian khổ, hiểm nguy vẫn không chùn bước. Tất cả chỉ vì một mục đích chiến thắng, thống nhất đất nước. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi của chiến dịch "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không"./.

Nhớ một thời cả nước hướng về Thủ đô yêu dấu

Theo dantri.com.vn-Với mưu đồ biến miền Bắc trở về với thời kỳ đồ đá, Ních-Xơn đã dốc toàn bộ lực lượng, tiềm lực quân sự để xây dựng những "pháo đài bay" trên không nhằm đánh phá Thủ đô và các tỉnh miền Bắc nước ta. Hơn nữa, để gây sức ép trên bàn đàm phán Paris, không lực Hoa Kỳ đã sử dụng toàn bộ B52 (pháo đài bay chiến lược) hiện đại nhất thời bấy giờ để rải bom nhằm giành thế áp đảo trên mặt trận ngoại giao. Và một chiến dịch mà tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ních-Xơn đưa ra với tên gọi “Linebacker II” nhằm huy động toàn bộ lực lượng đánh trả lại các trung tâm đầu não của Việt Nam như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên…đã được thực hiện. Tối 18/12/1972, không lực Hoa Kỳ đã dùng máy bay B52 ném bom vào Hà Nội và Hải Phòng.

Đây là loại máy bay tải trọng 30 tấn bom, có sức công phá khủng khiếp nhất thời đó. Trong 12 ngày đêm (18/12 - 29/12/1972), Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trên miền Bắc nước ta hơn 100 ngàn tấn bom đạn. Trong đó, tại Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lần B52, hơn 1.000 lần máy bay chiến thuật, ném hơn 1 vạn tấn bom đạn, giết hại 2.368 người và làm bị thương 1.355 người. Thậm chí có những gia đình không một ai sống sót. Những con đường, góc phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Đông Anh… còn đó bao dấu tích của 12 ngày đêm rực trời Hà Nội năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến bây giờ, ký ức của trận chiến kinh hoàng ấy vẫn vẹn nguyên. “Ngày ấy, B52 thả nhiều lắm, dữ dội lắm. Nhà tôi gần bệnh viện Bạch Mai nên cũng bị máy bay B52 rải bom tàn phá. Ngày đó không đi sơ tán kịp thì cũng bị bom Mỹ sát hại. Sau này, về lại Hà Nội thấy cảnh tan hoang, hàng xóm có người thân mất mát sau 12 ngày đêm ấy mới thấy tội ác của Mỹ không thể tha thứ được. Bây giờ, sống trong cảnh thanh bình nhưng mỗi khi đài báo đưa tin nói về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tôi vẫn không thể quên được ký ức về hình ảnh của Hà Nội bi thương nhưng oai hùng ngày ấy” - bà Nguyễn Thị Nụ (80 tuổi) hiện nay sống ở phố Phương Mai, quận Đống Đa (Hà Nội) nhớ lại.

Dịp này, vào thăm bảo tàng chiến thắng B52 trên phố Đội Cấn, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến một Hà Nội 40 năm về trước trong 12 ngày đêm với đầy đủ sa bàn điện tử hiện đại tái hiện lại không gian chiến đấu quyết liệt của quân và dân bảo vệ bầu trời Hà Nội bằng gần 9.000 hiện vật được lưu giữ. Mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh là một lời nói cho chứng tích những gì đế quốc Mỹ đã gây ra tội ác vào 12 ngày đêm năm 1972, là tiếng cười chiến thắng của quân và dân Thủ đô năm nào giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Sinh viên An ninh đạt giải đặc biệt tìm hiểu 'Điện Biên Phủ trên không'

Theo vnexpress-Với bài dự thi tâm huyết có giá trị như một công trình nghiên cứu gồm 11 cuốn sách, một cuốn tranh vẽ tay, một cuốn tâm ngôn...nhóm Sáng tạo trẻ của Học viện An ninh giành giải đặc biệt cuộc thi "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - 40 năm oanh liệt và tự hào".

Phạm Thị Quỳnh Trang, trưởng nhóm Sáng tạo trẻ cho biết, ngày 10/10, các em đọc được tin giới thiệu cuộc thi tìm hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Một ngày sau, nhóm Sáng tạo trẻ họp 10 tổ trưởng lên ý tưởng tham dự và phân công công việc. Mỗi tổ trưởng đảm nhận một nhiệm vụ riêng, như năm câu hỏi thì mỗi tổ phụ trách một câu, ngoài ra còn có tổ ảnh, tổ vẽ tranh, tổ sưu tầm...

Trong hơn một tháng làm việc, 100 sinh viên xuất sắc của các khoa ở Học viện An ninh nhân dân đã hoàn thành công trình bài thi. Trang cho biết, các thành viên đã cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm những thông tin, tài liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không với mong muốn trang bị, trau dồi thêm kiến thức cho mỗi thành viên về 12 ngày đêm chiến đấu với không quân Mỹ.

Cô sinh viên chuyên ngành Điều tra giới thiệu, công trình bài dự thi của nhóm gồm có 11 quyển sách trong đó phần trả lời 5 câu hỏi dự thi được thể hiện trong 5 quyển, một cuốn tranh vẽ tay do các thành viên trong nhóm dày công sáng tạo, một bộ sưu tập các bài viết với chủ đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không - Bản hùng ca vang mãi", bộ sưu tập tranh với chủ đề "Điện Biên Phủ trên không - Hà Nội xưa và nay" và bức tranh sơn dầu "Bài ca chiến thắng".

"Điện Biên Phủ trên không": Con người đã thắng vũ khí!

Theo dantri.com.vn-Nhắc lại những ngày tháng oanh liệt trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ năm 1972 để ghi nhớ từng thời khắc mất mát đau thương, mà khi đó dân tộc đã mạnh mẽ vượt qua bằng bản lĩnh Việt Nam.

Cả Hà Nội trở thành pháo đài, quân và dân đã chiến đấu anh dũng, đế quốc Mỹ phải lùi bước. Chiến thắng này một lần nữa thể hiện khí phách quật cường dân tộc, trở thành một “Điện Biên Phủ trên không” vang dội thế giới. Điều đó khẳng định, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ khuất phục trước kẻ thù, và “con người đã thắng vũ khí; chí nhân đã thắng tàn bạo; chính nghĩa đã thắng phi nghĩa” như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói.

Anh hùng Phạm Tuân và giây phút hạ gục 'pháo đài bay'

Theo vnexpress-Dáng nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng, anh hùng Phạm Tuân (65 tuổi) kể, khoảng 17h ngày 27/12/1972, ông được lệnh bay đến sân bay Yên Bái. 9 ngày kể từ khi Mỹ ném bom bắn phá Hà Nội, không quân chưa hạ được chiếc B52 nào trong khi lực lượng phòng không bắn rơi vài chiếc khiến đội phi công bay đêm cảm thấy rất căng thẳng.

"Mỗi lần tôi xuất kích, tất cả mọi người đều động viên. Anh em bay ngày nói 'mày bắn rơi B52 tao cõng mày đi học', rồi chỉ huy, thợ máy, dẫn đường... dặn cố bắn một chiếc nhé", trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.

Ông cho biết, thực tế không quân bay lên phá đội hình địch, làm tản nhiễu để lực lượng phòng không dưới đất đánh tốt hơn. Nhưng không quân chưa đánh được B52 thì vẫn là cái nợ.

Khoảng 21h, ông được lệnh xuất kích từ sân bay Yên Bái. Khi cất cánh lên gặp rất nhiều máy bay F4, nhưng lệnh là "Cơ động. Vượt qua". Vừa tránh xong tốp đầu ông lại gặp tiếp F4, song lệnh ở dưới vẫn là tránh nó mà đi. Sau đó Sở chỉ huy thông báo B52 cách 200 km, 150 km rồi 100 km.

Lần đầu tiên phi công tiếp cận B52 trong điều kiện như vậy nên sở chỉ huy nhắc nhở liên tục: bật tên lửa ở vị trí hai quả, mở nút phóng tên lửa quan sát... Phạm Tuân phải trấn an: "Các anh cứ yên trí, tôi nhất quyết bắn rơi máy bay B52".

Quả tên lửa thứ nhất bay vút đi, quả thứ hai theo sau tạo thành một đường sáng rực. Phi công Phạm Tuân kéo máy bay lên và lật ngửa thì nhìn thấy chiếc B52 nổ. "80% là may mắn. May mắn ở đây là hợp thời cơ, nghĩa là thời cơ có và ta chớp được", ông Tuân nói. 

Ông cho rằng, bản lĩnh của một con người gồm hai yếu tố: có ý chí và biết phát hiện ra quy luật, hành động theo quy luật ấy. Nếu cứ xông lên mà không khôn khéo thì sẽ bị máy bay địch bắn rơi, nhưng có cách đánh mà không có cái tâm, sợ nó thì cũng không đánh được. Ý chí và cách đánh đi với nhau mới tạo nên bản lĩnh.

Hà Nội từ khói bom vươn mình trong thời đại mới

Theo TTXVN-Hà Nội, một tối trung tuần tháng 12/2012, không khí đón Noel ùa về trong cái rét đậm đặc trưng của miền Bắc. Phố phường Thủ đô rực rỡ trong ánh đèn. Những dòng người cười nói, tấp nập đổ về những trung tâm thương mại, những cửa hàng kinh doanh sầm uất với bảng hiệu lấp lánh, đầy mầu sắc. 

Khó có thể hình dung hay cảm nhận thành phố "Vì hòa bình" này từng bị điêu tàn, đổ nát hồi 40 năm về trước. .. 

Hà Nội của một thời chiến tranh khốc liệt đã qua. Hầu hết những con người đã từng là nạn nhân, nhân chứng, từng chiến đấu đánh trả kẻ thù, từng sẻ chia những mất mát đau thương trong quá khứ, đều đã tự đứng lên, dựng lại hạnh phúc cho mình. Họ cũng chứng kiến những đổi thay, những bước phát triển từng ngày từng giờ của Hà Nội.

Xin dẫn lại lời của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến: "40 năm đã qua, nhưng nhìn lại kỳ tích vĩ đại đó, chúng ta vẫn thấy ánh sáng của niềm tin, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam trong thời khắc quyết định của lịch sử. Thực tiễn chiến đấu và chiến thắng của quân dân Thủ đô đã để lại nhiều bài học lịch sử quý giá. Chiến thắng oanh liệt 40 năm trước vẫn đang soi sáng cho chúng ta. 

Tinh thần và sức mạnh của “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” động viên toàn thể Đảng bộ và quân dân Thủ đô nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đồng thời thực hiện tốt các Nghị quyết, xây dựng Đảng bộ Hà Nội thật sự trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng; phát huy ý chí và sức mạnh toàn dân, chủ động, sáng tạo trên mọi lĩnh vực để xây dựng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội của chúng ta cho “non sông muôn thuở vững âu vàng”.

 Kim Anh (tổng hợp)


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.415
Hôm qua : 5.097
Tháng 05 : 3.415
Năm 2025 : 752.204
Tổng số : 84.709.137