A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

2-9-1945 Khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa

(laichau.gov.vn)
Với một nhãn quan kỳ diệu Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày 2 - 9 - 1945 để đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2 - 9 – 1945 của nhân loại

Chính trong Ngày lịch sử đó, nhân loại được chứng kiến thêm sự kiện quan trọng nữa của thế kỷ XX: Trên chiến hạm Missuri buông neo tại vịnh Tokyo, đại biểu của 9 quốc gia (Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Hoa, Canada, Australia, Hà Lan và New Zealand) đã cùng tham gia lễ ký kết chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản...

Cuộc gặp gỡ bên bờ sông Elbe (Đức) giữa Hồng quân Xô Viết và các cánh quân đồng minh Anh - Pháp - Mỹ đã đặt dấu chấm hết cho chế độ Đức Quốc xã và ngày người Nga phất cờ đỏ búa liềm trên nóc nhà Quốc hội Đức 9/5/1945 được coi là ngày kết thúc chiến tranh ở châu Âu.

Tuy nhiên, niềm vui tương tự chưa đến được với châu Á ngay thời điểm đó. Bất kỳ ai trong số 5 triệu binh sĩ của quân đội Nhật Bản cũng sẵn sàng liều thân vì “Đức Thượng Hoàng” của mình.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, nếu tiếp tục đổ quân xuống những hòn đảo chính của đất nước Nhật Bản, ắt sẽ có thêm khoảng một triệu rưỡi binh sĩ Mỹ bị thương vong.

Một tổn thất lớn như thế ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh là không đáng có! Và họ trông chờ vào Liên Xô- đất nước có 27 triệu người- trong số 55 triệu người trên toàn trái đất- đã hy sinh cho cuộc chiến chống phát xít.

Ngay trong cuộc hội đàm Yalta diễn ra vào tháng 2/1945 với sự tham gia của ba nguyên thủ quốc gia Liên Xô-Mỹ-Anh, nguyên soái Stalin đã hứa với Rouzevelt và Churchill là sau khi đập tan phát xít Đức, Liên Xô sẽ mở mặt trận thứ hai chống phát xít Nhật. Và Liên Xô đã giữ được lời hứa đó, chính xác đến từng ngày!

Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch Mãn Châu Lý đúng vào 4 tháng sau, ngày 9/8/1945. Sáu ngày sau, Nhật Hoàng Hirohito thông báo là sẵn sàng đầu hàng vô điều kiện.

Sự tham chiến của Hồng quân Liên Xô với những đòn sấm sét giáng vào đội quân Quan Đông của Nhật đã trở thành yếu tố quyết định thúc đẩy chiến thắng của các lực lượng Đồng Minh.

2 - 9 – 1945 mốc son của dân tộc Việt Nam

Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước đã chấm dứt thời kỳ nô lệ của nhân dân dưới ách thống trị của đế quốc Pháp và phát xít Nhật. Chính quyền phong kiến triều Nguyễn đã sụp đổ hoàn toàn. Chủ quyền đất nước đã về tay nhân dân.

Sau khi Hà Nội và nhiều nơi khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25 tháng 8, Hồ Chủ tịch từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Trung ương đón Người về ở căn gác 2 nhà số 48 phố Hàng Ngang để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về những công tác đối nội và đối ngoại, quyết định việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt của chính phủ lâm thời. Theo sự phân công của Ban Thường vụ, Người khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Từ sáng sớm ngày 2 tháng 9, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ dồn về phía Ba Đình. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố. ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: "Nước Việt Nam của người Việt Nam", "Độc lập hay là chết", "ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh". Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng đường Ba đình, các đội tự vệ vũ trang cùng những đơn vị Quân Giải phóng đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. Những chiến sĩ cách mạng đã từng anh dũng chiến đấu ở Bắc Sơn, Vũ Nhai, đã lập nên các chiến công Nà Ngần, Phai Khắt, vừa cùng nhân dân vùng dậy cướp chính quyền, giờ đây vẫn nắm chắc tay súng bảo vệ nền Độc lập mới ra đời. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới- nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội, đợi chờ.

Đúng 14 giờ, Hồ Chủ tịch và các vị trong Chính phủ lâm thời ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ lên ngang tai, biểu thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su tiến ra trước máy phóng thanh. Thay mặt Chính phủ lâm thời- tức là ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương-Người đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập. Lời nói của Người trang trọng đầm ấm vang trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Người khẳng định: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay dân tộc có phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!". Người trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

Đọc nửa chừng, Người dừng lại hỏi: "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?". Hơn 50 vạn người cùng đáp "Có!".

Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc. Nó tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông thuở trước. Thời thế đã đổi thay, song chí khí hào hùng của nhân dân ta trong thơ Lý Thường Kiệt "Nam quốc sơn hà Nam đế cư..", trong "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi vẫn thắm đượm trong từng lời, từng chữ của Tuyên ngôn. Tuyên ngôn Độc lập là bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, đã đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường chống thực dân và phong kiến và mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta. Tuyên ngôn Độc lập chẳng những đã khai sinh một nhà nước- nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập một chế độ xã hội mới- chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu á, từ đây với tư cách người chủ thực sự của đất nước, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiên. Ba mươi năm sau ngày "Tuyên ngôn Độc lập", năm 1975, Đảng ta, quân dân ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc- dân chủ, tiến hành thống nhất nước nhà. Tổ quốc ta vĩnh viễn được độc lập, nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2 tháng 9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kim Anh (tổng hợp)


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.040
Hôm qua : 9.849
Tháng 10 : 31.559
Năm 2024 : 2.011.476
Tổng số : 83.477.569