• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính nghĩa và pháp lý thuộc về Việt Nam

(laichau.gov.vn)
GS Phan Huy Lê: Chính nghĩa và pháp lý thuộc về Việt Nam; Triển lãm hình ảnh, hiện vật về Hoàng Sa, Trường Sa; Người Việt tại Nam Phi hướng về Hoàng Sa, Trường Sa… là những tin tức đáng chú ý ngày qua.

GS Phan Huy Lê: Chính nghĩa và pháp lý thuộc về Việt Nam

Chính nghĩa thuộc về Việt Nam. Nước ta phải biết phát huy thế mạnh chính nghĩa và công cụ pháp lý để tạo nên sức mạnh dân tộc. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã trở thành một Hiến chương của tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là đối với quốc gia biển và hải đảo. Trung Quốc là nước đã tham gia ký kết Công ước này. Tuy nhiên, việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm Luật Biển năm 1982, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Hơn nữa, Trung Quốc còn đem theo một đoàn tàu hộ tống lớn, trong đó có tàu chiến và dùng tàu đâm, phun vòi rồng với tần suất cao vào tàu Việt Nam là hành động dùng vũ lực đe dọa trực tiếp Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc trong quan hệ giữa các nước và đặc biệt là Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với các nước ASEAN năm 2002. Đây là một sự vi phạm luật pháp quốc tế đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa ra hai lập luận hết sức phi lý và phi pháp để biện hộ cho hành động của mình. Đó là việc coi giàn khoan nằm gần đảo Tri Tôn thuộc chủ quyền của Trung Quốc và nằm trong “đường lười bò” là vùng biển lịch sử của nước này. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, chúng ta phải tạo nên sự đồng lòng nhất trí của toàn dân, phát huy cao độ của tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết dân tộc. Đồng thời phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý, tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế, sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước. Công cụ pháp lý cần được vận dụng một cách hiệu quả. GS Phan Huy Lê nhận định, đây là cơ hội để Việt Nam tính toán việc kiện Trung Quốc ra trước Tòa án trọng tài quốc tế căn cứ vào Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Dĩ nhiên, việc này cần giao cho các chuyên gia pháp lý nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm của Philippines và đưa ra giải pháp tối ưu. Theo Chu Miên/VOV online. Xem chi tiết tại đây!

Triển lãm hình ảnh, hiện vật về Hoàng Sa, Trường Sa

Sáng 19.5, Bảo tàng Lâm Đồng khai trương triển lãm "Một số hình ảnh, hiện vật về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam". Có trên 100 bản đồ, tư liệu liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua nhiều giai đoạn lịch sử được trưng bày.

Trong đó, đáng chú ý có các bản đồ "Đại Việt quốc tổng lãm đồ" dưới thời Lê Thánh Tông (1442-1497), "Đại Nam nhất thống bản đồ" (năm 1834).v... và một số bản đồ do người phương Tây vẽ từ thế kỷ XV-XIX, đã chứng minh chủ quyền của Việt Nam và quá trình quản lý, bảo vệ và khai thác tại Hoàng Sa, Trường Sa qua hàng trăm năm trước.

Triển lãm còn trưng bày tấm bản đồ cổ mang tên “Trung Hoa dân quốc phân tỉnh tân đồ” (năm 1933), dưới thời Trung Hoa dân quốc, chỉ thể hiện lãnh thổ Trung Quốc đến hết đảo Hải Nam. Người xem có thể tham khảo 4 cuốn Atlas do Trung Quốc phát hành các năm 1908, 1917, 1919, 1933 đều cho thấy điểm cực nam của Trung Quốc cũng chỉ kéo dài đến hết đảo Hải Nam mà không hề thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Triển lãm kéo dài đến ngày 19.8, nhằm đáp ứng nhu cầu tham khảo, tìm hiểu về chủ quyền biển đảo của người dân địa phương và du khách. Theo thanhnien.com.vn. Xem chi tiết tại đây!

Người Việt tại Nam Phi hướng về Hoàng Sa, Trường Sa

Ngày 18/5, tại Pretoria, cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi đã tổ chức buổi gặp mặt với chủ đề “Kỷ niệm lần thứ 124 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng về Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu.”

Cuộc gặp mặt có sự tham dự của các cán bộ nhân viên các cơ quan đại diện cùng đông đảo bà con người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nam Phi cùng một số bạn bè quốc tế.

Phát biểu tại buổi sinh hoạt, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Lê Huy Hoàng nhấn mạnh tấm gương sáng của Bác đối với sự nghiệp độc lập tự do của dân tộc, tình đoàn kết và hữu nghị quốc tế, đề nghị cộng đồng tiếp tục chung tay đóng góp cho việc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nam Phi, góp sức thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Đại sứ đã phổ biến thông tin cập nhật cho cộng đồng về tình hình khẩn trương trong nước, đặc biệt là sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh để bà con hiểu hơn về chủ trương chính sách, các biện pháp hòa bình của Đảng và Nhà nước ta kiên trì đấu tranh với phía Trung quốc nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam cũng như vì hòa bình, ổn định của cả khu vực. Theo tienphong.vn. Xem chi tiết tại đây!

Tạo điều kiện cho công nhân Trung Quốc tại Vũng Áng về nước theo yêu cầu của nhà thầu

Sau sự cố đáng tiếc xẩy ra ở dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã khẩn trương, tích cực triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân của nước ngoài và Việt Nam bị tổn hại về sức khỏe và tài sản; tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự; tạm giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những phần tử quá khích, vi phạm nghiêm trọng pháp luật; ổn định sản xuất và đời sống khu vực dự án Formosa và các dự án khác trong Khu kinh tế Vũng Áng. Hiện, tình hình đã trở lại bình thường. Chủ dự án, các nhà thầu và kỹ sư, công nhân của Trung Quốc (đại lục và Đài Loan) đều ghi nhận, cảm ơn chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã giải quyết sự việc nhanh chóng, nghiêm túc, hiệu quả.

Ông Dương Hồng Chí (là người Đài Loan - Trung Quốc), Tổng Giám đốc dự án Formosa khẳng định, chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Tuy nhiên, theo đề nghị từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và chủ nhà thầu là người Trung Quốc tại dự án, cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi, chu đáo để Trung Quốc đưa số công nhân của nhà thầu Trung Quốc về nước bằng đường hàng không (đối với một số người bị thương) và đường biển. Công việc được tiến hành ngày 19/5. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây!

Đinh Lan TH


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.248
Hôm qua : 8.151
Tháng 05 : 46.417
Năm 2025 : 795.206
Tổng số : 84.752.139