• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đất nước vào xuân

(laichau.gov.vn)
Đất nước vào xuân; Trường Sa: Xuân đầu sóng ngọn gió; Rực rỡ đêm giao thừa ở điểm cuối cùng của đất nước... những thông tin, không khí đón xuân mới trên khắp mọi miền cả nước được đăng tải trên các báo.

Đất nước vào Xuân 

Đất nước ta bắt đầu một mùa Xuân mới. Trong rực rỡ ánh sáng muôn màu sắc của pháo hoa phút Giao thừa năm Quý Tỵ, trong hơi lạnh đêm đầu Xuân mới, triệu triệu con tim hòa vào thời khắc thiêng liêng lắng đọng của đất trời với biết bao niền tin, niềm hy vọng về những điều tốt đẹp của cuộc sống trên đất nước này…

Hãy gạt đi nỗi lo toan thường nhật của năm cũ để chúng ta hướng về năm mới và cùng cầu chúc cho đất nước Việt Nam ta hùng cường, từng gia đình ấm cúng, từng lứa đôi hạnh phúc, trên môi em thơ tươi rói nụ cười…Theo Chinhphu.vn. Xem chi tiết tại đây.

Rực rỡ đêm giao thừa ở điểm cuối cùng của đất nước 

Cũng như mọi miền của đất nước, ở tận cùng Đất Mũi Cà Mau này không khí đón Xuân cũng rực rỡ băng cờ, khẩu hiệu, chợ hoa đầy hoa, đường phố chật kín dòng người, xe cộ tấp nập hối hả vào Xuân. 

Khác hơn thành phố Cà Mau, ở đây không có hoa tươi, xe cộ ồn ào nhưng có tình người thấm đậm tình làng nghĩa xóm, chan chứa tình dân nghĩa Đảng. Bà con xã Đất Mũi chuẩn bị đón năm mới bằng những món ăn truyền thống, tự làm. Điểm nhấn khá nổi bật trong đêm giao ở Cà Mau năm nay là hội chợ hoa. Có hàng trăm loài hoa, kiểng, hàng ngàn chậu hoa từ nhiều tỉnh thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về tham gia. Chợ hoa luôn tấp nập người xem, mua. Tuy nhiên, sức mua hoa năm nay giảm rất mạnh so với năm vừa rồi. Một phần là do người dân tiết kiệm chi tiêu, kế đến là giá cả quá đắt nên không phù hợp với túi tiền của người có thu nhập thấp. Năm 2012 mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng kinh tế của Cà Mau vẩn phát triển tốt. Kim ngạch xuất khẩu đạt 950 triệu USD, sản lượng lương thực đạt 500.000 tấn; thu ngân sách đạt 4.300 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người là 1.200 USD. Nhiều chương trình an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, cuộc sống của người dân ngày càng phát triển. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây

Sông Hàn lộng lẫy sắc Xuân trong đêm Giao thừa

Đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người dân Đà Nẵng khi mỗi độ Xuân về và người người đều náo nức đợi chờ thời điểm Giao thừa, khoảnh khắc thiêng liêng nhất của sự giao thoa đất trời và cũng là sự chuyển giao giữa năm cũ và mới. 

Chính trong giờ phút thiêng liêng này, ai ai cũng muốn được tận hưởng sự thăng hoa cùng vạn vật và dòng sông Hàn thơ mộng là không gian lý tưởng nhất để tận hưởng sự thăng hoa đó.

Với chủ đề "Trăm hoa khoe sắc," đường hoa kéo dài từ ngã 3 đường Bạch Đằng- Phan Đình Phùng đến ngã 3 đường Bạch Đằng- Lê Văn Duyệt, với chiều dài khoảng 1km, chiều rộng khoảng 11,7m, tổng diện tích là 11.508 m2. Công trình sử dụng hơn 100.000 giỏ hoa, cây xanh các loại, với hơn 100 loại hoa; với tổng kinh phí gần 17 tỷ được huy động từ các nguồn lực xã hội. 

Biểu tượng chính của đường hoa chính là tạo hình biểu vật năm Tỵ- Rắn vui xuân với hình rắn nhả ngọc; ngọc rắn là vật quý hiếm, chỉ có trong tích xưa với nhân vật cứu rắn được rắn nhả ngọc trả ơn và hưởng phép màu mà viên ngọc đó mang lại. Thông điệp của hình ảnh rắn nhả ngọc là mong muốn mọi người hưởng cái Tết năm rắn nhiều điều tốt đẹp, viên mãn. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây.

Lì xì đầu năm mới: Tục lệ mang đậm nét văn hóa

Xuân về, khi người lớn tất bật lo cho cái Tết thì sung sướng nhất vẫn là lũ trẻ. Dù là quê nghèo hay nơi phố thị, Tết vẫn là điều gì đó để chúng háo hức mong chờ.

Ngày Tết trẻ con được nghỉ học, được đi chợ, được mặc áo mới và nhất là chúng được mừng tuổi bằng tiền trong phong bao đỏ chót. không biết từ bao giờ tục mừng tuổi đầu năm ra đời để rồi lưu truyền từ năm này sang năm khác và đến giờ vẫn được gìn giữ. Trong những ngày Tết, mọi người đến nhà những người mình yêu quý để thăm hỏi và chúc Tết đồng thời không quên mừng tuổi (lì xì) khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi. Mừng tuổi đầu năm như một lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc.

Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc...

Sáng mùng Một là thời điểm thích hợp nhất để mừng tuổi. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà quan trọng là ở thông điệp, con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn… Vì thế, tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn. Chiếc bao lì xì là chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn. Nó chứa rất nhiều thông điệp, nhắn nhủ của người lớn với trẻ em. Ai mừng tuổi mà không căn dặn, chúc tụng vài câu. Và tuổi thơ mỗi người đều lưu giữ ấn tượng rất đậm về chiếc phong bao nhỏ xinh ngày Tết này. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây.

Trường Sa: Xuân đầu ngọn sóng

Đối với những cán bộ, chiến sỹ và người dân ở nơi đây, cứ tàu ra là báo hiệu mùa Xuân đã đến. Con tàu HQ 571 kéo một hồi còi dài báo hiệu đã cập cảng Trường Sa Lớn, cả đảo như vào ngày hội, những đồ dùng Tết được chuyển nhanh chóng xuống đảo. Cái không khí chuyển hàng Tết của quân và dân nơi đây không khác gì một chợ quê ngày Tết. Những ngày cuối năm ở Trường Sa cũng khác với đất liền. Không đèn hoa rực rỡ, không tất bật hối hả trong những ngày cuối năm, Tết ở đây lặng hơn rất nhiều nhưng không thế mà kém phần vui tươi. Cái Tết đến với Trường Sa thật giản dị, như con người nơi đây. Nhìn những người lính thường ngày chỉ quen với súng đạn, thao trường giờ khéo léo gấp lá, rải gạo nếp, đỗ, thịt gói thành những chiếc bánh chưng vuông vắn, mọi người đều thán phục.

Tại hội trường của đơn vị, không khí Tết cũng không kém gì ở đất liền. Có cả những cây quất, cành đào, cây mai nhưng tất cả đều được làm bằng bàn tay khéo léo của những chiến sỹ. Cỗ Tết trên đảo không thịnh soạn và nhiều món bằng mâm cỗ Tết đất liền song dạt dào tình cảm.

Sau bữa cơm Tết, các chiến sỹ tập trung ở hội trường cùng nhau đón khoảnh khắc năm mới, nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước qua làn sóng radio và truyền hình. Giữa tiếng sóng biển gầm gào, dưới các đơn vị vang tiếng đàn, hát.

Trong thời khắc chuyển giao của đất trời, sang Xuân, giữa mênh mông trời biển, tự trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào kiêu hãnh là người lính nơi tuyến đầu đất nước. Có lẽ chỉ những ai đã từng đón Tết ở Trường Sa mới cảm nhận được hết sự đặc biệt và linh thiêng đến kỳ lạ của nó. Không hối hả, không tất bật, không đồ đạc, quần áo mới, không ồn ào đình đám nhưng lại là cái Tết vô cùng đáng nhớ. Các chiến sỹ ở đây luôn tự hào là con mắt thần của biển Đông. Họ đón một cái Tết giản dị để rồi tiếp tục làm nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ biển trời Tổ quốc cho đất liền vui đón Tết. Theo vov.vn. Xem chi tiết tại đây.

Nguyễn Nga (TH)


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.619
Hôm qua : 7.251
Tháng 07 : 127.328
Năm 2025 : 1.231.442
Tổng số : 85.188.375