Di tích Cổ Loa đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt
|
Di tích Cổ Loa đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt
Ngày 14/2 (mùng 5 Tết), trong không khí đón chào xuân mới, UBND thành phố Hà Nội, cùng nhân dân xã Cổ Loa, huyện Đông Anh đã tổ chức đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt, Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ di tích Cổ Loa.
Theo lịch sử, thành Cổ Loa xuất hiện vào năm 208 trước Công nguyên, sau khi thống nhất hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt, lập nên nhà nước Âu Lạc, An Dương Vương đã quyết định chọn vùng đất này để lập kinh đô, xây thành Cổ Loa (thành Ốc, Tư Long thành, Loa thành) với vai trò là quân thành, đô thành và thị thành.
Trong lòng đất của Cổ Loa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và khảo cổ học vô cùng đặc biệt và phong phú, điều đó cho thấy sự phát triển liên tục của nền văn minh sông Hồng. Di tích Cổ Loa là 1 trong 10 di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 27/9/2012.
Việc công nhận Cổ Loa là di tích quốc gia đặc biệt không những khẳng định giá trị hào hùng của di tích lịch sử Cổ Loa mà còn khẳng định những giá trị văn hoá ở nơi đây… Có thể thấy Cổ Loa đã giữ vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử lập nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta. Lễ hội Cổ Loa hàng năm cho thấy sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng dân cư vùng thành Cổ Loa với vị vua đầu tiên người đã trở thành vị thần bảo trợ cho đời sống tinh thần cho muôn đời
Với việc công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, đã một lần nữa khẳng định giá trị quần thể di tích kinh thành Cổ Loa từ giá trị vật thể đến giá trị phi vật thể là di sản quý báu của quốc gia, phải được gìn giữ để mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau. Theo Chinhphu.vn. Xem chi tiết tại đây.
Kỷ niệm 224 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa
Sáng 14/2 (tức mùng 5 Tết Quý Tỵ), lễ hội kỷ niệm 224 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa đã tưng bừng được tổ chức tại Công viên văn hóa Đống Đa nhằm tôn vinh hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung với những chiến công hiển hách chống quân xâm lược nhà Thanh. Ôn lại chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa cách đây 224 năm, tri ân hoàng đế Quang Trung trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với nhân dân.
Năm Kỷ Dậu 1789, trận Ngọc Hồi-Đống Đa do người anh hùng dân tộc Quang Trung chỉ huy đã đánh tan hàng vạn quân Mãn Thanh, lập nên chiến thắng vang dội và là một trong những trận chiến chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Chiến thắng này đã chặn đứng ý định xâm chiếm nước Đại Việt của quân nhà Thanh kéo sang do sự cầu viện của vua Chiêu Thống.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại truyền thống hào hùng cùng chiến công hiển hách của phong trào Tây Sơn mà đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Kỷ Dậu 1789; đồng thời bày tỏ quyết tâm phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây.
Sau tết, giá thực phẩm tăng mạnh
Ngay từ ngày 12/2 (tức mùng 3 Tết), hầu hết các chợ, siêu thị tại TP HCM đều đã mở bán ngày đầu năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các tiểu thương tại chợ cho biết, lượng hàng hóa về chợ chưa được nhiều so với ngày thường nên giá cả trong ngày đầu năm của các mặt hàng tăng từ 5 - 10% so với trước Tết. Đặc biệt, mặt hàng trái cây và rau củ quả là mặt hàng “hút khách” nhất. Ngoài mặt hàng rau, củ, quả, trái cây thì gà ta, gà thả vườn là mặt hàng mà các bà nội trợ tìm mua nhiều nhất. Sau những ngày tết, các loại rau, củ quả có xu hướng tăng giá mạnh.
Tại Hà Nội, các chợ lẻ, chỉ rất ít tiểu thương kinh doanh buôn bán trở lại, chủ yếu là các gian hàng rau, củ (rau thơm, cà chua, cà rốt...), trái cây và bánh chưng, các quầy gia súc, gia cầm chưa kinh doanh trở lại.
Còn tại một số địa phương phía Bắc, giá thực phẩm ngày 2 Tết tăng cao, nhất là thịt lợn, thịt bò, cá chép. Nguyên nhân là do dịp Tết, nhiều tiểu thương tại chợ chưa hoạt động trở lại, nguồn cung giảm mạnh. Tuy giá tăng cao, nhưng do sức mua trong ngày đầu tiên của năm mới này cũng không lớn, nên không xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn hàng tại các chợ.
Nhằm bình ổn giá dịp sau Tết, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong dịp Tết; đặc biệt là công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, không để thiếu hàng, sốt giá; tăng cường kiểm tra thực hiện pháp luật về giá, thuế, phí trên địa bàn địa phương; hạn chế tình trạng lợi dụng dịp Tết để tăng giá, phí bất hợp lý, nhất là tại các khu vực du lịch, lễ chùa. Theo vov.vn. Xem chi tiết tại đây.
Lễ mừng thọ - nét đẹp văn hóa của người Việt Nam
http://www.vietnamplus.vn/Home/Le-mung-tho--net-dep-van-hoa-cua-nguoi-Viet-Nam/20132/182735.vnplus
Trong tâm thức dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được một cái phúc lớn, có phúc nên mới được sống lâu, mới có con cháu đề huề. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy. Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta bởi nó thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên.
Dẫu không phải các nhà chức sắc trong làng, nhưng những dịp hội hè đình đám, các cụ lão ra chốn đình trung ngồi riêng cỗ trên chiếu cạp điều. Phong tục trọng lão ấy đến bây giờ vẫn được gìn giữ.
Ngày nay, trong gia đình khi có ông bà, cha mẹ ở tuổi 70, 80, 90... thì con cháu thường tổ chức mừng thọ. Lễ mừng thọ thường nhằm dịp sinh nhật hoặc dịp Tết Nguyên đán. Đây là dịp con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ. Lễ tổ chức to hay nhỏ đều thể hiện được niềm vui của gia đình vì có người sống thọ. Những dịp như thế này mang lại cho các cụ tình cảm ấm áp của thế hệ cháu con, của phố phường, làng xã mà không cảm thấy cô đơn khi tuổi già, sức yếu lúc cuối đời.
Ngày nay, hình thức có thay đổi ít nhiều, nhưng thường là con cháu mua nhiều tặng vật mừng cha mẹ, gọi là đồ dưỡng già như là chăn, áo ấm... và tổ chức tiệc ăn mừng trọng thể tại nhà hàng hoặc tại nhà có mời đông đảo những thân bằng quyến thuộc của gia đình đến dự. Trân trọng người cao tuổi còn là trân trọng kho kinh nghiệm sống được tích luỹ qua bao năm tháng. Người được mừng thọ không phải là người có chức tước, quyền lợi gì mà chỉ là người được hưởng tuổi "Trời cho," được cái đặc ân mà người xưa thường gọi là “Thiên tước.”
Gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Chính vì vậy, việc tổ chức mừng thọ là một nét đẹp văn hoá đáng trân trọng. Mừng thọ cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở có trước có sau với người đời, với xã hội. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây.
Phó Thủ tướng đánh trống khai hội chùa Bái Đính
Ngày 15/2, tức mồng 6 Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, đông đảo tăng ni, phật tử, khách thập phương ở trong và ngoài nước đã về dự khai hội chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh trống khai hội và cùng với nhân dân, du khách tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mọi người có cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Chùa Bái Đính nằm trên ngọn núi Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngôi chùa có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi này đã từng là nơi Đinh Tiên Hoàng đế lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận, gió hòa. Vua Quang Trung cũng đã chọn nơi đây để thực hiện nghi lễ tế cờ, động viên quân sỹ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược.
Ngay trong ngày khai hội, ước tính đã có hàng vạn du khách thập phương về dâng hương, chiêm bái cảnh quan ngôi chùa lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hiện đang lưu giữ nhiều kỷ lục Việt Nam như chuông đồng lớn nhất, nặng 30 tấn; pho tượng Phật Thích ca Mâu ni bằng đồng nặng 150 tấn; bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn; có hành lang La Hán dài nhất với 500 vị...Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây.
Nguyễn Nga (TH)