Doanh nghiệp Việt không phá giá cá tra, cá basa ở Hoa Kỳ
![]() |
Doanh nghiệp Việt không phá giá cá tra, cá basa ở Hoa Kỳ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá mặt hàng cá tra/cá basa cũng như các sản phẩm thủy hải sản khác vào thị trường Hoa Kỳ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh như vậy tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 3/4 khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố kết quả đợt xem xét hành chính thứ 9 đối với vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại thị trường Hoa Kỳ.
Theo công bố, Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam tuy mức thuế có giảm xuống.
“Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá mặt hàng cá tra/cá basa cũng như các sản phẩm thủy hải sản khác vào thị trường Hoa Kỳ.
Chúng tôi cho rằng các vấn đề trong quan hệ thương mại giữa hai nước cần được xem xét một cách công bằng, khách quan, phù hợp với tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước,” ông Lê Hải Bình nói. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây!
Công khai nợ xấu: Không thể trì hoãn
Tại phiên họp Chính phủ ngày 1/4 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6-3,9%, nhưng theo đánh giá của NHNN thì tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%. Trước đó, vào tháng 2, khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's công bố báo cáo triển vọng về hệ thống ngân hàng 2014, đánh giá tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam ít nhất phải chiếm 15%. Ngay sau báo cáo của Moody's, NHNN đã có ý kiến cho rằng, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan. Đến cuối tháng 12/2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng. Còn nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780 thì tỷ lệ cũng chỉ khoảng 9%.
Vì sao lại có những số liệu khác nhau vì nợ xấu như vậy? Có ý kiến cho rằng do các tổ chức tín dụng vẫn đang che dấu nợ xấu, vì vậy khó có được con số chính xác.
Tại diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối năm 2013, các nhà đầu tư cho biết họ thất vọng về quyết định lùi thời hạn thực hiện Thông tư 02. Báo cáo của Nhóm công tác ngân hàng thuộc VBF cho biết, một số ngân hàng từ lâu đã không báo cáo về nợ xấu, Thông tư 02 giúp giải quyết vấn đề này nhưng nó lại bị trì hoãn.
Tuy nhiên, sắp đến thời điểm 1/6/2014, Thông tư này lại bị trì hoãn thêm. Ngân hàng yếu kém đang gây ra nhiều nhiễu loạn, phân loại nợ bị đẩy lùi như vậy không thể giải quyết được nợ xấu và sẽ không có tín dụng cho nền kinh tế. Nếu chúng ta không biết nợ xấu là bao nhiêu, thì các kế hoạch giải quyết đề ra sẽ thiếu tin cậy.
Báo cáo phải minh bạch thì mới có được kế hoạch xử lý tin cậy. Đây là lúc cần đưa ra các quyết định mạnh mẽ về cải cách ngân hàng thì lại lùi bước. Việc che giấu con số nợ xấu thực sẽ rất nguy hại, nó làm cho các ngân hàng bị suy yếu, lãi suất cho vay không thể giảm, mặc cho lãi suất huy động ngày càng giảm và DN khó tiếp cận được vốn vay rẻ. Theo vietnamnet.vn. Xem chi tiết tại đây!
Việt Nam tham gia đấu thầu cung cấp gạo cho Philippines
Mạng tin Inquirer.net của Philippines ngày 4/4 cho biết, bước đầu đã có năm nhà thầu tiềm năng, trong đó có Việt Nam, đăng ký vào danh sách những nhà cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines.
Chính phủ Philippines đã dành khoản ngân sách 17,18 tỷ peso (gần 382 triệu USD) cho việc nhập khẩu gạo để tăng cường lượng gạo dự trữ của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) trong những tháng giáp hạt.
Ngày 3/4, tập đoàn LG International Corp của Indonesia, Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) của Việt Nam và đơn vị vận chuyển tàu biển của tập đoàn Pháp, Louie Dreyfus Co... đã chính thức tham gia vào tiến trình đấu thầu tại thành phố Quezon.
Hai công ty khác từ Thái Lan là Thai Hua Co. Ltd và Asia Golden Rice Co. Ltd cũng đang cạnh tranh giành các hợp đồng cung cấp gạo. Hạn nộp hồ sơ dự thầu sẽ kết thúc vào ngày 15/4.
Dựa trên các điều khoản đấu thầu, tổng khối lượng gạo mua sẽ được chia thành bốn lô đấu thầu, mỗi lô 200.000 tấn.
Một nhà thầu có thể cung cấp ít nhất là 100.000 tấn, điều đó có nghĩa là hai nhà thầu có thể thắng một lô thầu.
Ông Ludovico Jarina, người đứng đầu ủy ban đấu thầu gạo cho biết, các nhà thầu Việt đã mua hồ sơ đấu thầu ở cả bốn lô, trong khi những nhà thầu các nước khác đang nhắm vào một hoặc hai lô. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây!
Bất động sản vẫn tăng trưởng nóng
Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 (FAST500), vừa được công bố sáng 4/4 tại Hà Nội, cho thấy bất động sản tuy suy giảm nhưng vẫn chứng tỏ luôn là ngành có tốc độ tăng trưởng nóng.
Theo kết quả xếp hạng năm nay, tốc độ tăng trưởng trung bình của 500 doanh nghiệp này trong giai đoạn 2009-2012 đạt 44,7%, thấp hơn nhiều so với mức 62,2% của các doanh nghiệp Fast500 giai đoạn trước. Đây cũng là năm tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt thấp nhất trong 4 năm xếp hạng vừa qua.
Ở Top 5 của bảng xếp hạng, tốc độ tăng trưởng trung bình cũng chỉ đạt 158%, thua xa so với tốc độ đạt tới 374% của giai đoạn trước. Đó là do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2009.
Xét theo ngành nghề, Fast500 ghi nhận đồ uống, thực phẩm là ngành có đông doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất, chiếm 18%; tiếp đó là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản, chiếm 16%. Theo vietnamnet.vn. Xem chi tiết tại đây!
Đinh Lan TH