Những tin tức thế giới được dư luận quan tâm
![]() |
Sao đổi ngôi trên chính trường Nga và sự trở lại được mong chờ
Hồi cuối tuần qua, đại hội đảng “Nước Nga thống nhất” cầm quyền (UR) đã nhất trí lựa chọn Thủ tướng Vlađimia Putin (Vladimir Putin) đại diện cho đảng này ra ứng cử chức Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử đầu năm tới. Đại hội cũng đồng thời thông qua danh sách 600 ứng cử viên của đảng do Tổng thống đương nhiệm Đmitơri Métvêđép (Dmitry Medvedev) đứng đầu ra tranh cử Đuma Quốc gia (Hạ viện) khoá mới. Như vậy, diễn đàn của những người ủng hộ UR đã cùng lúc giải đáp hai tình tiết chính trị “bí ẩn”, chấm dứt mọi lời đồn đoán về việc “sắp đặt” tương lai chính trị nước Nga.
Nhìn lại quãng thời gian hơn 3 năm qua, kể từ khi ông Putin trao “mái chèo” con thuyền nước Nga vào tay ông Métvêđép, có thể thấy một điểm nổi bật là “cặp đôi quyền lực” ở xứ sở Bạch Dương thực sự phối hợp ăn ý trong công việc điều hành đất nước. Có lẽ chính sự ăn ý ấy đã khiến cho giới lãnh đạo nhiều nước phương Tây cũng như nhiều thế lực đối lập không hài lòng. Họ cố tìm và khoét sâu những mâu thuẫn dù là nhỏ nhặt nhất giữa “cặp bài trùng” này, thậm chí thêu dệt cả những mâu thuẫn chưa từng tồn tại. Vì thế mà thậm chí đã xuất hiện cả những đồn đoán về việc khi nào thì “cỗ xe song mã” này tách ra thành hai hướng khác nhau. Vậy nên cũng là điều khá bất ngờ đối với không ít người khi hai nhà lãnh đạo cao nhất nước Nga công khai quyết định không rời “cỗ xe song mã”, mà chỉ hoán đổi vị trí cho nhau.
Vấn đề năng lượng trong quan hệ Nga – Trung.
Trong khi kinh tế Nga dựa nhiều vào xuất khẩu năng lượng, Trung Quốc lại phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn năng lượng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, hợp tác năng lượng là mắt xích chủ đạo gắn kết quan hệ Nga - Trung. Tuy nhiên, bất đồng về giá vẫn là bài toán khó khăn trong hợp tác năng lượng Nga - Trung. Để có được lợi ích cân bằng cho cả hai phía trong những thoả thuận này là điều hết sức khó khăn. Bắc Kinh phàn nàn rằng, mình phải “gánh” quá nhiều trách nhiệm vốn đường ống dẫn dầu của Mát-xcơ-va và yêu cầu điều chỉnh khung giá.
Trung Quốc cũng ám chỉ rằng, nếu Nga không chấp nhận những thay đổi về giá trong các thoả thuận về đường ống dẫn và khí gas, việc hợp tác năng lượng giữa hai nước sẽ khó diễn ra thuận lợi như kế hoạch ban đầu. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Nga sẽ trở thành một trong ba nhà cung cấp dầu nhiều nhất cho Trung Quốc, giúp Bắc Kinh bớt lệ thuộc vào dầu nhập khẩu không ổn định từ Trung Đông và Bắc Phi qua Eo biển Ma-lắc-ca và Xin-ga-po. Trung Quốc nhập khẩu hơn 55% lượng dầu tiêu thụ, trong đó 80% là do các nước Trung Đông và châu Phi cung cấp. Đường ống dẫn khí gas từ Nga được xem là có vai trò chiến lược đối với Trung Quốc. Hai đường ống dẫn khí gas nói trên sẽ trung chuyển ít nhất 68 tỷ m3 khí/năm của Nga sang Trung Quốc, đáp ứng khoảng 2/3 tổng lượng khí tiêu thụ của Trung quốc trong năm 2010.
Sự kiện lịch sử của người Palestin tại Liên hợp quốc
Theo đúng như kế hoạch đã định từ trước, ngày 23/9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã thực hiện một hành động lịch sử khi đệ đơn yêu cầu Liên hợp quốc công nhận Palestine là một quốc gia thành viên của tổ chức này. Liệu sự kiện lịch sử này có mở ra tương lai mới cho tiến trình hoà bình Trung Đông? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
Bài phát biểu trước khóa họp Đại hội đồng bảo an Liên hợp quốc lần thứ 66 của ông Abbas đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Ả rập trên khắp thế giới. Tất cả mọi kênh truyền thông Ả rập, từ đài phát thanh đến các kênh truyền hình, internet đều đăng tải đầy đủ bài phát biểu của ông Abbas hôm 23/9. Thậm chí nhiều người còn ví đây là một “sự kiện mang tính lịch sử”.
Không lâu trước khi đọc bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Abbas đã đệ trình lên Tổng thư ký Ban Ki-moon đơn xin gia nhập, để có thể cho phép Palestine trở thành một thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Thậm chí ông Abbas cũng đã lên tiếng kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ủng hộ những nỗ lực mà người Palestine đang theo đuổi. Ông Abbas đã ví bài diễn văn của mình trước Đại hội đồng Liên hợp quốc là “một khoảnh khắc của sự thật” và nhận được sự tán thưởng nhiệt tình từ dư luận.
Vấn đề hoà bình Trung Đông: Thất bại về mặt ngoại giao của Mỹ và Israel
Việc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chính thức trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon lá đơn xin gia nhập LHQ với quy chế quốc gia thành viên đầy đủ dành cho Palestine, bất chấp sự ngăn cản của Mỹ và Israel, đánh dấu thất bại về mặt ngoại giao của Mỹ và Israel trong việc giải quyết vấn đề hoà bình Trung Đông. Các nhà phân tích cho rằng, cho dù kết quả cuối cùng như thế nào đi nữa thì ít ra, Palestine cũng đã giành được một thắng lợi lớn về mặt ngoại giao trong suốt 20 năm qua, kể từ tiến trình hoà bình Trung Đông chính thức được khởi động năm 1991.Động thái trên của ông Abbas cho thấy sự bất lực của Mỹ và cộng đồng quốc tế trong việc làm ông Abbas chùn bước. Theo kế hoạch, chiều 26-9 (theo giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bắt đầu thảo luận về việc Palestine xin được công nhận là thành viên chính thức của LHQ. Tuy nhiên, theo các nguồn tin nước ngoài thì quá trình này có thể sẽ kéo dài trong vài tuần.
Theo các nhà phân tích quốc tế, việc Palestine đệ đơn xin gia nhập LHQ lần này là điều bất đắc dĩ, bởi những lý do sau: Trước hết, việc Israel kiên quyết không dừng việc xây khu định cư Do Thái tại vùng đất chiếm đóng của người Palestine làm cho tình hình Trung Đông ngày càng căng thẳng. Thứ hai, Palestine muốn thông qua việc xin công nhận là thành viên đầy đủ của LHQ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trước áp lực lực của Mỹ và Israel. Mặc dù Palestine biết rằng khó có thể giành được ngay tư cách thành viên đầy đủ của LHQ. Theo nhandan.com.vn.
Thế giới bên bờ vực một cuộc khủng hoảng mới
Cùng chung xu hướng với thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu, trong phiên giao dịch ngày 26/9, hầu hết các thị trường chứng khoán khu vực châu Á đều giảm điểm. Chỉ số Nickey 225 trên thị trường chứng khoán Nhật Bản đóng cửa giảm hơn 2%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Các thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), đều có mức giảm mạnh trên 2%. Hiện giới đầu tư vẫn hoài nghi về các kế hoạch mà giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu, đang tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Trên thị trường vàng, tính đến đầu giờ chiều 26/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao tháng 12 giảm gần 90 USD/oz. So với kết thúc phiên cuối tuần qua, xuống còn 1.570USD/oz. Đây là mức giảm theo ngày lớn nhất của vàng loại này kể từ tháng 6/2006 tới nay. Cũng trong phiên chốt tuần, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 giảm 66 xu, tương ứng 0,8%, xuống còn 79,85 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York, Mỹ. Đây là mức giá chốt thấp nhất của dầu loại này kể từ hôm 9/8 vừa qua, khi giá xuống 79,30 USD/thùng.
Trên thực tế, trong tuần qua, thế giới đã chứng kiến không ít cam kết của giới hoạch định chính sách toàn cầu. Tuy nhiên, những cam kết chưa phải là “bài thuốc đặc trị” cho các vấn đề hiện tại. Điều mà giới đầu tư và các thị trường đang quan tâm hiện nay là các biện pháp cụ thể./. Theo vov.vn.
Đinh Lan tổng hợp