• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng hợp tin tức biển đảo những ngày qua

(laichau.gov.vn)
Liên hoan tuyên truyền lưu động “Biên giới và Biển đảo Việt Nam” năm 2012; Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam: Phụ nữ bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đảo; Kiên Giang: Cư dân huyện đảo Kiên Hải thiếu nước ngọt sinh hoạt; Cà Mau: Ngư dân có nhiều sáng kiến tiết kiệm chi phí xăng dầu; Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam: Biến vùng ven biển hoang sơ thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn…   (laichau.gov.vn)  

Liên hoan tuyên truyền lưu động “Biên giới và Biển đảo Việt Nam” năm 2012

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết, Bộ vừa có Công văn số 573/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Vĩnh Long về việc phối hợp tổ chức Liên hoan tuyên truyền lưu động “Biên giới và Biển đảo Việt Nam” năm 2012. Đây là hoạt động tuyên truyền, khẳng định chủ quyền biên giới và Biển đảo Việt Nam, thể hiện tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống tốt đẹp trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước; ca ngợi tinh thần vượt qua khó khăn vươn lên làm chủ cuộc sống, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới vùng biên giới và Biển đảo Việt Nam. Tham gia hoạt động tuyên truyền sẽ gồm các đội tuyên truyền và các xe chuyên dụng đại diện cho các vùng miền của Tổ quốc. Thời gian tiến hành tại 3 khu vực sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 6 năm 2012. Theo cpv.org.vn.

Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam: Phụ nữ bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đảo

Kế hoạch “dài hơi” trong hành trình làm đẹp môi trường biển quê hương, với chủ đề “Phụ nữ với hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường biển bảo” đã được các hội viên phụ nữ xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) triển khai từ 3 năm nay. Nhằm góp phần bảo vệ môi trường biển và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại địa phương, năm 2009, với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, cộng đồng thôn Thuận An đã cùng với Hội Phụ nữ huyện Núi Thành thực hiện Dự án bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải. Dự án đã mở ra các lớp tập huấn cho người dân địa phương về các kiến thức liên quan đến môi trường, tài nguyên biển, khai thác tài nguyên biển hợp lý…; trong đó, các hội viên phụ nữ là lực lượng nòng cốt tuyên truyền đến người dân. Ngoài ra, các nội dung này đều được Hội LHPN xã thường xuyên triển khai tuyên truyền lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt của hội viên phụ nữ trên địa bàn. Theo TTXVN.

Kiên Giang: Cư dân huyện đảo Kiên Hải thiếu nước ngọt sinh hoạt

Mặc dù mới bước vào giữa mùa khô, nhưng hiện nay cư dân sinh sống trên huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đang thiếu nước ngọt sinh hoạt, trong đó 2 xã An Sơn và Nam Du thiếu nước trầm trọng nhất. Nguyên nhân nguồn nước suối trên đảo cạn kiệt, nước mưa trữ lại trong các hộ gia đình đang cạn dần và hồ chứa nước mưa Nam Du, xã An Sơn hiện chỉ còn khoảng 1/3 so với thể tích 30.000 m³ của nó. Trong khi đó, đây là 3 nguồn nước chính để sử dụng, sinh hoạt hàng ngày của cư dân sinh sống trên các xã đảo huyện Kiên Hải và ngư dân khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường quanh khu vực. Nước ngọt được lấy từ An Sơn vận chuyển về phân phối cho cư dân các đảo. Hiện, giá nước sinh hoạt ở đây dao động ở mức 100.000 - 120.000 đồng/m³ tùy thuộc vào khoảng cách vận chuyển nước ngọt xa hay gần cung cấp cho cư dân. Đặc biệt, vào tháng 4 và 5 hàng năm, giai đoạn cao điểm của mùa khô, thiếu nước gay gắt, nghiêm trọng, giá nước ngọt lên đến 150.000 - 200.000 đồng/m³. Được biết, Kiên Hải là một trong hai huyện đảo của tỉnh Kiên Giang diện tích 30 km², với 4 xã là Nam Du, An Sơn, Lại Sơn và Hòn Tre là trung tâm hành chính của huyện, gồm 23 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Nam Du có 21 hòn đảo bao quanh; dân số hơn 20.000 người. Cư dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề biển. Các đảo của huyện Kiên Hải vẫn còn sơ khai, nhiều phong cảnh đẹp mang đậm nét thiên nhiên được ví như “Vịnh Hạ Long thứ hai” trên vùng biển Tây Nam đất nước. Việc thiếu nước ngọt ở đây không những ảnh hưởng bất lợi đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân mà còn là rào cản trong phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan. Theo TTXVN.

Cà Mau: Ngư dân có nhiều sáng kiến tiết kiệm chi phí xăng dầu

Nhiên liệu bao gồm xăng dầu là một trong loại chi phí lớn nhất đối với phương tiện đánh bắt thủy sản trên biển, đặc biệt là đối với loại tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Mỗi chuyến đi biển như vậy tốn hàng tấn dầu. Từ kinh nghiệm trong thực tiễn, ngư dân tỉnh Cà Mau có nhiều sáng kiến hay làm giảm chí phí từ 50 – 100 triệu đồng cho một chuyến đi biển dài ngày . Theo đó, bà con hình thành những tổ hợp tác nghề cá trên biển, mỗi tổ có từ 10 – 20 chiếc. Khi ra khơi bà con tổ chức những chiếc tàu chuyển tiếp nhiên liệu đi theo để làm nhiệm vụ cung cấp dầu cho tàu. Như vậy tàu nhận dầu từ đây để tiếp tục bám biển dài ngày, thay gì hết dầu phải chạy vào bờ nhận dầu như trước đây.

Có những sáng kiến tưởng chừng như nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như trước đây vào thời điểm nghỉ ngơi trên biển, tàu vẩn nổ máy 24/24 giờ. Bây giờ bà con tìm những đảo để cặp, hoặc thả neo rồi tắt máy. Mỗi sáng kiến tiết kiệm một ít, nhiều sáng kiến cộng lại tiết kiệm được khoảng chi phí rất lớn. Trong điều kiện giá nhiên liệu tăng vùn vụt như hiện nay thì việc ngư dân có những sáng kiến như vậy rất đáng học tập kinh nghiệm và nhân rộng điển hình. Theo TTXVN.

Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam: Biến vùng ven biển hoang sơ thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn

Cái triết lý làm du lịch chẳng giống ai là đầu tư ở nơi biển, rừng hoang vu, không điện không nước; và với chiến lược không phá cũng chẳng xây nhà hàng loạt mà chú trọng dọn vệ sinh biển, trồng cây rừng để tạo cảnh quan hài hoà giữa rừng với biển, đã đem lại sự thành công ban đầu cho ông chủ của Khu du lịch Bãi dài Mai Quyền ở đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Khu du lịch Bãi dài Mai Quyền hôm nay đã có điện, nước, đường giao thông thuận lợi và trở thành một điểm sáng du lịch của Quảng Ninh. Chỉ cách thành phố du lịch Hạ Long chưa đầy 40 cây số, với không khí trong lành tựa SaPa – Lào Cai, du khách có thể tận hưởng các loại hình du lịch như sinh thái rừng, du lịch biển và du lịch tâm linh với đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư và cách đó không xa là ngôi chùa Cái Bầu nổi tiếng của đất Mỏ. Chỉ tay về hòn đảo xa chừng 2 cây số, ông Quyết nói: Trong tương lai gần, Mai Quyền sẽ xây dựng một resort nhỏ trên đảo hoang này để tạo ra một điểm nhấn mới cho vịnh Bái Tử Long thêm đặc sắc, hấp dẫn du khách nhiều hơn. Theo cpv.org.vn.

Đinh Lan tổng hợp

 


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.071
Hôm qua : 7.008
Tháng 05 : 30.994
Năm 2025 : 779.783
Tổng số : 84.736.716