• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ mặt nông thôn Tam Đường có nhiều khởi sắc

(laichau.gov.vn)
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Tam Đường đã có những bước phát triển: Nông nghiệp phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được nâng lên; bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư khá đồng bộ...

Người dân xã Bản Giang chăm sóc mía.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: Huyện Tam Đường đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong nông nghiệp, huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo các cấp, các ngành phát huy tiềm năng, thế mạnh; chủ động khắc phục khó khăn, hậu quả của thiên tai, dịch bệnh; tăng cường các biện pháp đảm bảo cho sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có tiềm lực vào đầu tư thực hiện các mô hình, dự án; tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp. Do vậy, kinh tế nông nghiệp của huyện phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 797 tỷ đồng (tăng 597 tỷ đồng so với năm 2008); lương thực bình quân đầu người đạt 776 kg/người/năm (tăng 226 kg so với năm 2008); thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/người/năm (tăng 15,6 triệu đồng so với năm 2008); 98,5% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, 95% hộ được sử dụng điện.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được chú trọng thực hiện. Huyện đã tập trung chỉ đạo, quản lý thực hiện quy hoạch nông thôn mới, rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết quy vùng sản xuất nông nghiệp và hạ tầng khu sản xuất để thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án và huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới. Tập trung nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, cấp nước sinh hoạt cho dân cư ở nông thôn; nâng cấp sửa chữa, mở mới đường giao thông trục bản, ngõ bản, nội đồng bảo đảm thông suốt bốn mùa tới các xã, bản để thuận lợi cho người dân sinh hoạt và phát triển sản xuất; đầu tư xây trạm biến áp, kéo điện đến các bản bảo đảm đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư nông thôn; phát triển hệ thống bưu chính viễn thông, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho mọi vùng nông thôn; nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở; cơ bản hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học; xây dựng các nhà văn hoá - thể thao tại bản, xã; thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng bản làng xanh-sạch-đẹp và phong trào lắp điện sáng nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 12,7 tiêu chí/xã.

Kết cấu hạ của huyện được quan tâm đầu tư, toàn huyện có trên 644 km đường giao thông nông thôn (tăng 284 km so với năm 2008); có 186 công trình công trình thủy lợi với 389 km kênh mương (tăng 78 km so với năm 2008); có 14/14 xã, thị trấn có điện đến trung tâm xã, 151/156 bản có điện lưới quốc gia, 8.952 hộ sử dụng điện, đạt 95% (tăng 25% so với năm 2008); 100% xã có nhà văn hóa, điểm phục vụ bưu chính viễn thông, loa phát thanh và được phủ sóng truyền hình; 63% bản có nhà văn hóa; 100% trụ sở xã, trạm y tế, trường học, 95,5% phòng học được kiên cố, cơ bản đầy đủ điều kiện cần thiết cho công tác khám chữa bệnh và công tác dạy học.

Nông dân là một trong những lực lượng nòng cốt thực hiện chương trình, bà Tạ Thị Dung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Đường cho biết: Để thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Hội Nông dân huyện xác định nâng cao chất lượng hoạt động trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh gắn với phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, Hội đã đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi Hội. Hàng năm, Hội Nông dân huyện đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho các chi hội trưởng về việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi hội; phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, cán bộ chuyên trách huyện phụ trách cơ sở giành thời gian đi dự sinh hoạt chi Hội nhằm nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ của Hội đến hội viên và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân để kịp thời chỉ đạo và tổng hợp, kiến nghị với Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp... Trong những năm qua, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng để cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất chăn nuôi. Qua đó, giúp nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 167 hộ nông dân có thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên.

Việc thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn huyện Tam Đường có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Phát huy kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết này để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân và xây dựng huyện Tam Đường ngày càng phát triển vững mạnh./.

Phạm Giang - TP Lai Châu


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8.202
Hôm qua : 8.457
Tháng 04 : 162.930
Năm 2024 : 834.520
Tổng số : 82.300.613