• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

(laichau.gov.vn)
Là tỉnh miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Những năm qua, Lai Châu luôn xác định việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc để giúp cho đồng bào phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đây chính là một trong những việc làm quan trọng để từ đó đoàn kết đồng bào dân tộc thiểu số một lòng vững tin theo Đảng, Nhà nước.

Thiếu nữ dân tộc Thái xem triển lãm ảnh tại ngày hội văn hóa dân tộc

Với 20 dân tộc sinh sống trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La Hủ và Si La, trình độ nhận thức, phong tục tập quán đa dạng tuy là thuận lợi nhưng cũng là thách thức với chính quyền các cấp trong việc phát huy giá trị bản sắc văn hoá giữa các dân tộc trên địa bàn để cùng phát triển. Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, trong những năm qua tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai một số chính sách cho đồng bào dân tộc để bà con có điều kiện phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Phải kể đến như: Chương trình 135 được triển khai trên địa bàn 62 xã, 696 bản; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống trên địa bàn 3 huyện; Đề án sắp xếp dân cư 02 xã Tà Tổng, Mù Cả, huyện Mường Tè; Chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc; Chính sách cấp Báo, tạp chí; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số… Nhờ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước và của tỉnh như hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giống nông nghiệp, tập huấn khoa học kỹ thuật khuyến nông, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa các loại giống mới năng xuất chất lượng cao vào gieo trồng để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Ngôi nhà sàn kiên cố của gia đình chị Phê Thị Dơ, dân tộc Mông, ở bản Lùng Thàng, xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu nổi bật giữa núi rừng. Ít ai biết rằng, những năm trước đây, cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, thường bị thiếu đói giáp hạt. Từ năm 2013 đến nay, được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chị Dơ đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa các giống mới năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Đến nay, gia đình chị Dơ đã có cuộc sống ổn định, thoát khỏi diện đói nghèo, đã mua sắm nhiều đồ dùng cần thiết trong nhà, có điều kiện cho con đến trường. Điều đáng nói, gia đình chị Dơ chỉ là một trong nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác ở Lai Châu có được cuộc sống ổn định nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.

Ở tỉnh Lai Châu, để các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc đến trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, đạt hiệu quả là do các cấp trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo một cách công khai, minh bạch, dân chủ và nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Mặt khác, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc, tuyên truyền luôn được củng cố, kiện toàn từ tỉnh tới cơ sở; chất lượng đội ngũ làm công tác dân tộc nâng lên rõ rệt đảm bảo thực hiện sáng tạo việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia với chính sách dân tộc của địa phương như: Hỗ trợ cho vay chăn nuôi đại gia súc, phát triển giao thông nông thôn…. Điều này đảm bảo cho Nhân dân vùng cao, vùng dân tộc được hỗ trợ một cách toàn diện, cả trực tiếp lẫn gián tiếp giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2012 - 2016, đã có trên 14.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ theo Chương trình 135 của Chính phủ về cây trồng, vật nuôi, máy móc; thực hiện đầu tư 295 công trình; duy tu, bảo dưỡng 174 công trình giao thông, thủy lợi; nước sinh hoạt; nhà văn hóa; trường, lớp học... với số tiền 514.098 triệu đồng; chính sách định canh định cư năm 2016 với 40.000 triệu đồng; chính sách hỗ trợ cho người dân theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg là 8.783 triệu đồng; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định 755/QĐ-TTg ... Nhờ đó, tình hình vùng đồng bào dân tộc toàn tỉnh tương đối ổn định về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Các cấp, các ngành tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt để thực hiện các chương trình, chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc được các địa phương duy trì hoạt động thường xuyên. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, tham gia các lễ hội văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, tăng thêm động lực trong cuộc sống, lao động sản xuất. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Thực tế cho thấy, các chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ và đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực đảm bảo mục tiêu đề ra của chính sách, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và cải thiện đời sống cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào thiểu số nghèo đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5% - 7%/năm. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, bình đẳng, tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những bất cập, khó khăn cho chính quyền các cấp cơ sở, như việc chính sách còn dàn trải; thời gian hoàn thiện các văn bản hướng dẫn địa phương triển khai chậm (mất từ 6 tháng đến 1 năm) sau khi đã ban hành chính sách dẫn đến thời gian thực hiện ngắn khó hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra; nguồn vốn không đáp ứng yêu cầu như đã phê duyệt; đối tượng, nội dung, mức chi cứng nhắc khi áp dụng triển khai ở cơ sở khó khăn,…

Trên cơ sở đó, tỉnh Lai Châu xác định tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức sâu sắc, toàn diện của các cấp, ngành về vai trò, vị trí của công tác dân tộc trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ đó có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của đồng bào dân tộc thiểu số.

Triển khai, thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc; ưu tiên phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác giảm nghèo; sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại - du lịch trong vùng dân tộc thiểu số. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; tạo cơ hội thuận lợi cho đồng bào các dân tộc vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng.

Ngoài ra, để thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu đã và đang đề xuất với Đảng, Chính phủ và các bộ ngành trung ương xem xét lại một số chính sách cho sát với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời kêu gọi, hỗ trợ các thành phần kinh tế quan tâm tham ra đầu tư phát triển các ngành nghề là lợi thế của đồng bào dân tộc thiểu số để người dân có thu nhập ổn định đời sống và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc... Những điều này sẽ góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Lai Châu giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo nơi vùng cao Tây bắc./.

Nguyễn Chanh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.905
Hôm qua : 5.840
Tháng 05 : 84.665
Năm 2025 : 833.454
Tổng số : 84.790.387