A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và sự chung tay của các sở, ngành, hiệp hội trong phát triển cây Sâm Lai Châu

(laichau.gov.vn)

Chiều nay (13/5), Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đã dự Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Sâm Lai Châu lần thứ II, nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm sơ kết công tác quý I/2022 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2022-2026. Hội nghị dành nhiều thời gian để lắng nghe các ý kiến phát biểu của các thành viên hiệp hội, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển cây Sâm trên địa bàn tỉnh; thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và sự chung tay của các sở, ngành, hiệp hội trong phát triển cây Sâm Lai Châu.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự Hội nghị còn có ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu; đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các thành viên Hiệp hội Sâm Lai Châu…

Đại diện Ban Chấp hành Hiệp hội Sâm Lai Châu báo cáo tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện Ban Chấp hành Hiệp hội Sâm Lai Châu Báo cáo Sơ kết công tác thực hiện quý I/2022 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2022-2026. Theo đó, quý I/2022, Hiệp hội Sâm Lai Châu đã tiến hành kiện toàn bộ máy tổ chức của hiệp hội, trình UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt nhân sự Ban Chấp hành, Thường trực hiệp hội, Ban Kiểm tra; trình UBND tỉnh phê duyệt Điều lệ hiệp hội; đang triển khai xây dựng Website và Logo của hiệp hội, xây dựng quy chế hoạt động và điều hành của hiệp hội; đã và đang vận động các doanh nghiệp và các hộ gia đình phát triển trồng và mở rộng thêm được khoảng 5 ha Sâm.

Quang cảnh Hội nghị.

Về kế hoạch triển khai giai đoạn 2022-2026: Trong công tác phát triển vùng trồng nguyên liệu, công nhận vườn giống, hiệp hội xác định phát triển các vườn của các hộ theo nhóm, tạo thành phong trào phát triển vùng nguyên liệu; quảng bá để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vùng trồng trong giai đoạn khoảng 200 ha. Trong công tác xây dựng chế biến sâu và bao tiêu sản phẩm cho các hội viên sẽ tiến hành liên kết một số hội viên có tiềm lực để xây dựng nhà máy chế biến sâu sản phẩm từ Sâm trên địa bàn tỉnh; có liên kết, cam kết ổn định bao tiêu sản phẩm Sâm Lai Châu cho các hội viên của hiệp hội; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá và bảo tồn nguồn gen, phát triển Sâm Lai Châu bền vững và lớn mạnh; tổ chức cho các hội viên giao lưu học tập kinh nghiệm giữa các vườn để phát triển tốt hơn các vùng trồng; phối hợp với các sở, ngành trong việc đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn vùng địa lý, quy hoạch vùng trồng; hoàn thiện thông qua và ban hành Logo của Hiệp hội Sâm Lai Châu; hoàn thiện thông qua và vận hành Website của Hiệp hội Sâm Lai Châu; cung cấp tài liệu hướng dẫn trồng Sâm cho các thành viên hiệp hội; hoàn thiện ban hành quy chế để quản lý chất lượng sản phẩm xuất ra, vùng trồng của các hội viên hiệp hội.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đồng chí tham dự đã phát biểu ý kiến nhằm xây dựng hiệp hội ngày càng lớn mạnh; hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển cây Sâm trên địa bàn tỉnh một cách bền vững; đồng thời kiến nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh về cấp chứng nhận vườn giống; định danh tên nhận dạng, thành phần các loại Sâm của Lai Châu; đề nghị ban hành đơn giá Sâm, quy hoạch vùng trồng và có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giống cho các hội viên là đồng bào dân tộc ít người...

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị.

Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo sở, ngành tham dự đã trả lời, giải thích, hướng dẫn về các nội dung được hỏi, nhất là về cấp chứng nhận vườn giống, quy hoạch vùng trồng; đồng thời đề xuất hướng giải quyết một số khó khăn, vướng mắc.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải khẳng định: Lai Châu có tổng diện tích tự nhiên khoảng 9.000 km2, độ che phủ rừng 51,4%, diện tích rừng tự nhiên chiếm tới 96%. Như vậy, Lai Châu có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế dưới tán rừng rất lớn, đặc biệt là cây Sâm. Đây là loại cây bản địa, cực kỳ giá trị, rất phù hợp thổ nhưỡng, có thể nói là loại cây “tiền tỷ”; đặc biệt lại liên quan trực tiếp đến vùng khó, vùng sâu, vùng xa, là cây xóa đói, giảm nghèo.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Các đồng chí nhấn mạnh, cuối năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức một Hội nghị toàn quốc tại tỉnh Lai Châu về phát triển kinh tế dưới tán rừng. Việc phát triển kinh tế dưới tán rừng, đặc biệt là phát triển cây Sâm thể hiện ý chí, khát vọng của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Tỉnh Lai Châu cũng đã ban hành Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Đây thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và sự chung tay của các sở, ngành, hiệp hội, cùng gỡ khó từng bước một.

Vì vậy, các đồng chí đề nghị lãnh đạo sở, ngành liên quan phải vào cuộc. Giao Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, rà soát lại 3 vườn giống gốc được giao trong Đề án, với 1.700 cây giống và hoàn thiện lại quy trình công nhận vườn giống. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Sâm Lai Châu rà soát lại các thành viên trồng Sâm, đăng ký lại để hình thành liên kết, làm cơ sở để các sở, ngành chức năng nghiệm thu; chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan, các huyện và hiệp hội ban hành bộ quy trình hướng dẫn chuẩn đến tận huyện, xã; xây dựng cho tỉnh 1 bản đồ quy hoạch phát triển vùng Sâm; hỗ trợ cho các thành viên hiệp hội trong việc công nhận vùng trồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải phát biểu tại Hội nghị.

Đồng thời đề nghị đặc biệt quan tâm tới công tác quảng bá và phải làm liên tục, thường xuyên; tổ chức công bố chính thức các chỉ số phân tích giá trị hàm lượng các chất quý trong cây Sâm Lai Châu; tăng cường hợp tác về mặt công nghệ đối với chế biến sâu, tạo lợi thế về mặt cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu.

Trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội Sâm Lai Châu, UBND tỉnh sẽ tính toán tổ chức Hội chợ chuyển giao khoa học kỹ thuật và phát động trồng Sâm. Qua đó, vừa là cách thức chuyển giao công nghệ, vừa làm du lịch, vừa đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm về Sâm Lai Châu.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định lại việc “muốn bay cao, bay xa phải liên kết lại với nhau", chính vì vậy đề nghị Hiệp hội Sâm Lai Châu cùng với tỉnh đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, xây dựng vùng trồng, liên kết với bà con Nhân dân; tập hợp các thành viên, bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong Hiệp hội; sớm tổ chức đi học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là tại Hàn Quốc...


Tác giả: Đinh Lan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.253
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 139.366
Năm 2024 : 810.956
Tổng số : 82.277.049