Bộ Giáo dục hướng dẫn cách ra đề và làm bài thi Ngữ văn
![]() |
Bộ Giáo dục hướng dẫn cách ra đề và làm bài thi Ngữ văn
Theo vov.vn - Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay thực hiện theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nhưng ở mức độ phù hợp. Cụ thể là tập trung đánh giá hai kĩ năng quan trọng: kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết văn bản. Đề thi gồm hai phần: đọc hiểu và viết (làm văn), trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu.
Để làm tốt phần thi viết, giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết vận dụng những kĩ năng viết đã học để tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc tác phẩm, trích đoạn văn học nào đó theo hướng mở và tích hợp trong môn và liên môn, tập trung vào một số khía cạnh như: tri thức về văn bản viết, nhận thức đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề văn; các kĩ năng viết..
Về viết nghị luận văn học, năm 2014 vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình và sách giáo khoa nhưng cần đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề nhằm khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép nguyên si tài liệu. Bài viết của học sinh được đánh giá dựa vào chuẩn kĩ năng viết nói chung và chuẩn kĩ năng viết kiểu văn bản nói riêng mà đề bài yêu cầu, phù hợp với các giá trị nhân văn, những chuẩn mực đạo đức và pháp luật; không áp đặt nội dung chi tiết cần đạt. Xem chi tiết tại đây.
“Chỉ cần 7.000 tỷ đồng để đổi mới sách giáo khoa”
Theo vov.vn - Chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới sẽ được lần lượt triển khai bắt đầu ở lớp 1, 6 và lớp 10 từ năm học 2016-2017. Đến năm học 2021-2022, các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và SGK mới. Đây là lộ trình được nêu rõ trong dự thảo mới nhất của Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Lộ trình đổi mới SGK đang được đặt trên bàn thảo luận sôi nổi nhưng việc thay đổi chương trình SGK của từng lớp học bị phân tán và chia làm nhiều giai đoạn đang khiến Phó giáo sư (PGS) Văn Như Cương- người có nhiều đóng góp cho việc biên soạn, đổi mới chương trình sách giáo khoa THPT băn khoăn, lo lắng. Xem chi tiết tại đây.
Đỗ tốt nghiệp THPT 100%: Bộ GD-ĐT lên tiếng
Theo vov.vn - Từ ngày 2-4/6 sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Trước lo ngại của dư luận về việc xét tốt nghiệp THPT năm nay có thể dẫn đến tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp gần như tuyệt đối là 100%, tại cuộc họp báo chiều 15/4, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) chính thức trả lời về sự hoài nghi này.
Theo Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, việc xét tốt nghiệp còn xét cả điểm học lực ở lớp 12 của mỗi học sinh. Cụ thể: Điểm xét tốt nghiệp = tổng điểm 4 bài thi + điểm khuyến khích (nếu có) chia cho 4, rồi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia 2.
Với cách xếp loại tốt nghiệp như vậy thì có thể có đến 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Trước sự lo ngại của dư luận xã hội, ông Mai Văn Trinh khẳng định, việc xét tốt nghiệp THPT như Bộ GD-ĐT đưa ra là nhằm mục đích giảm áp lực thi cử cho học sinh, tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy khi tổ chức một kỳ thi quốc gia. Kết quả kỳ thi và xét tốt nghiệp THPT sẽ được lấy làm căn cứ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ và dạy nghề. Xem chi tiết tại đây.
Tin liên quan: Hướng dẫn mới về ôn tập ngữ văn thi tốt nghiệp THPT
Tổ chức “Ngày hội đọc sách” theo từng chủ đề tại trường học
Theo vov.vn - Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng căn cứ kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam của địa phương, xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức ngày Sách Việt Nam trong hệ thống trường học trên địa bàn tập trung vào các nội dung: Tổ chức “Ngày hội đọc sách” theo từng chủ đề tại các trường học; Phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa. Phát động, tổ chức các phong trào, chương trình thu gom sách, ủng hộ sách vở, hỗ trợ cho các trường học vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn; Tổ chức các sự kiện khác nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên.
Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm (ngày 21/4 hàng năm) nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội; Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; Xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng và tôn vinh những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Xem chi tiết tại đây.
Tin liên quan: Tổ chức “Ngày hội đọc sách” trong các trường học
Đề án Ngoại ngữ 2020: Quá nhiều bất cập trong triển khai
Theo TTXVN - Kêu kinh phí ít nhưng lại sử dụng chưa hợp lý, trình độ giáo viên hạn chế và có bồi dưỡng nhưng cũng không cải thiện được bao nhiêu. Trong khi đó các tỉnh lại chậm chạp trong việc lên kế hoạch triển khai các hoạt động của mình và nếu có kế hoạch thì cũng hời hợt, chưa có sự phê duyệt của chính quyền địa phương...
Hàng loạt những vấn đề trên đã được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 khối các địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 15/4, tại Hà Nội. Xem chi tiết tại đây.
Phương pháp hay để tự tin thi tốt nghiệp môn Lịch sử
Theo TTXVN - Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho các em học sinh.
Theo khảo sát sơ bộ tại nhiều trường trung học phổ thông trên cả nước, tỷ lệ chọn môn Lịch sử gần như thấp nhất trong tất cả các môn, thậm chí có trường công bố không có học sinh nào chọn môn này vì tâm lý lo ngại điểm thấp.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu biết cách ôn tập hiệu quả, học sinh hoàn toàn có thể đạt điểm cao ở môn Lịch sử.
Tự tin đăng ký môn sử trong kỳ thi sắp tới, em Lê Thị Sáng, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hồng Đạo, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, chia sẻ: “Em thấy các bạn toàn học sử theo kiểu học thuộc lòng, học “vẹt” nên nếu quên một câu là kéo theo quên hết các câu sau. Em ôn tập theo phương pháp vẽ “cây kiến thức,” thân cây có các mốc thời gian chính, tới các nhánh cây biểu diễn các sự kiện phụ, rất dễ nhớ. Việc này cũng giống như lập một đề cương khi viết văn, giúp các ý chính không bị nhầm lẫn, không bị bỏ sót.” Xem chi tiết tại đây.
Kim Anh (tổng hợp)