• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng ở Biển Đông diễn biến nguy hiểm

(laichau.gov.vn)
Một số tin nhanh về diễn biến trên Biển Đông...

Học giả IISS: Căng thẳng ở Biển Đông diễn biến nguy hiểm

Đánh giá về những động thái xảy ra gần đây ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), ngày 29/5, ông Christian Le Miere - chuyên gia cấp cao về hải quân và an ninh hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo tại khu vực khá nhạy cảm này đang diễn biến nguy hiểm.

Tình trạng bất ổn ở Biển Đông không phải là mới. Tuy nhiên, vụ giết hại ngư dân đảo Đài Loan (Trung Quốc) Hung Shih-cheng vừa qua lại cho thấy hình ảnh một Biển Đông khá mới mẻ. Đó là nguy cơ sử dụng khu vực biển này làm nơi giải quyết những bức xúc, bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Điều này khiến tranh chấp ở Biển Đông ngày càng nguy hiểm. Sau khi ngư dân Hung Shih-cheng bị lực lượng tuần duyên Philíppin bắn chết, với tổng cộng 59 phát đạn, Đài Loan đã phản ứng gay gắt, trong đó có biện pháp triển khai "ngoại giao pháo hạm".
Trong khi đó, Trung Quốc Đại lục khẳng định rằng giết hại một ngư dân Đài Loan cũng là giết hại một người Hoa. Vì vậy, Bắc Kinh đứng về phía đảo Đài Loan trong vụ tranh cãi với Philíppin. Chỉ một ngày sau vụ giết hại ngư dân, Trung Quốc đã triển khai hai tàu hải giám tới bãi Second Thomas (Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây, Trung Quốc gọi là bãi Nhân Ái) - một bãi đá lúc chìm lúc nổi thuộc quần đảo Trường Sa.

Vụ việc trên càng chứng tỏ Biển Đông vẫn là một khu vực bất ổn và rất dễ bùng phát thành xung đột với sự hiện diện của quân đội các nước, các bên có tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Biển Đông còn là nơi các bên sử dụng để giải quyết những tranh chấp khác liên quan tới quan hệ song phương. "Ngoại giao pháo hạm" đã được áp dụng để tạo sức mạnh răn đe ngay tại vùng biển quốc tế. Đó là diễn biến rất nguy hiểm, nhất là khi căng thẳng vượt qua tầm kiểm soát của các bên.
Vấn đề này chắc chắn sẽ được đề cập đến tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 vào cuối tuần này ở Xinhgapo - nơi mà Mỹ đã triển khai siêu hạm USS Freedom. Là một trong 4 tàu tác chiến ven bờ tối tân của Hải quân Mỹ, USS Freedom sẽ có mặt ở đảo quốc Xinhgapo trong một vài năm tới. Việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự sẽ tác động đáng kể tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Báo Anh: Philíppin đúng khi kiện Trung Quốc ra trọng tài quốc tế

Tác giả David Pilling của tờ "Thời báo Tài chính" ngày 29/5 cho rằng dù còn có ý kiến đánh giá việc Philíppin kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là hành động dũng cảm hoặc liều lĩnh, song Manila đã hành động đúng khi dám thách thức Bắc Kinh.
Hành động của Philíppin có ý nghĩa quan trọng, vì nó bắt đầu một quá trình phân định biên giới trên biển ở Châu Á mà có tranh chấp quyết liệt theo qui định của pháp luật, chứ không phải theo "luật rừng". Trung Quốc, nước đã ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), dường như không có ý định tuân thủ văn kiện pháp lý này. Các nước Châu Á, trong đó gồm nhiều nước có tranh chấp trên biển với Trung Quốc, đang theo dõi vụ kiện với sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, rất ít nước dám nói công khai nhiều điều vì sợ làm phật lòng Bắc Kinh. Vậy nên, cho dù người ta đánh giá sự việc vừa rồi là dũng cảm hay liều lĩnh, thì Philíppin đã dám làm.

Ý định của Manila là đưa tranh chấp song phương với Bắc Kinh về quyền sở hữu biển đảo trên Biển Hoa Nam (Biển Đông) ra trọng tài quốc tế. Giáo sư Jerome Cohen, chuyên gia về luật pháp Trung Quốc và quốc tế tại Trường Luật của Đại học New York, cho rằng vụ kiện của Philíppin đã khiến Bắc Kinh bị sốc vì sự táo bạo của nó. Vụ kiện được đưa ra vào tháng 1/2013 và sẽ có thể phải mất 4 năm để đi qua các khâu trong hệ thống của UNCLOS. Nhưng nó có ý nghĩa tiềm năng rất lớn đối với một khu vực có nhiều tranh chấp lãnh thổ dễ bùng nổ, trong đó có cả tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về các đảo không có người ở trên Biển Hoa Đông.

Tàu Trung Quốc bắt đầu khảo sát tài nguyên dưới biển

Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc ngày 28/5 đã rời thành phố Quảng Châu, miền Nam nước này để tham gia hành trình kéo dài hơn 5 tháng nghiên cứu các nguồn tài nguyên dưới biển và môi trường ở Thái Bình Dương.

Cơ quan Hải dương Quốc gia (SOA) Trung Quốc ngày 29/5 ra tuyên bố cho biết tàu "Hải Dương-6" cùng với đoàn thám hiểm gồm 96 thành viên dự kiến quay trở về vào ngày 3/11 sau khi hoàn tất các cuộc khảo sát ở Đông Thái Bình Dương và giữa Tây Thái Bình Dương. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sứ mệnh do Hiệp hội nghiên cứu và phát triển tài nguyên khoáng sản hải dương Trung Quốc tổ chức này là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản ở đáy biển quốc tế.

Trong suốt hải trình kéo dài 160 ngày, tàu "Hải Dương-6" sẽ nghiên cứu địa hình và các mẫu phẩm lấy từ các lớp feromangan giàu côban ở các núi nằm dưới Tây Thái Bình Dương để định lượng tài nguyên tại khu vực này. Tại Đông Thái Bình Dương, tàu "Hải Dương-6" sẽ thăm dò các trầm tích chứa các kim loại ở vùng biển Clarion-Clipperton, đồng thời tiến hành khảo sát các nguồn tài nguyên biển mới.

Trung Quốc công bố “quy hoạch xây dựng năng lực tự chủ sáng tạo quốc gia”

Mạng Tin tức Trung Quốc ngày 30/5 cho biết mới đây Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố “Quy hoạch xây dựng năng lực tự chủ sáng tạo quốc gia” giai đoạn 5 năm lần thứ 12.

Quy hoạch nêu rõ cần tiếp tục kiện toàn hệ thống giám sát và thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, như động đất, khí tượng, hạn hán, môi trường sinh thái, hải dương, sinh học và cháy rừng; hoàn thiện diễn đàn thông tin về các sự kiện y tế cộng đồng và mạng lưới cảnh báo, giám sát như an toàn thực phẩm, bệnh truyền nhiễm cấp tính, các bệnh mang tính quần thể không rõ nguyên nhân, tình hình dịch bệnh ở động vật và độc hại nghề nghiệp; xây dựng kho số liệu cơ sở về an toàn xã hội; hình thành hệ thống giám sát, cảnh báo thống nhất về chỉ huy, chức năng kiện toàn, phản ứng linh hoạt, vận hành hiệu quả cao.

Quy hoạch yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý giám sát các công trình quan trọng và cơ sở hạ tầng công cộng cấp quốc gia, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý giám sát và kỹ thuật bảo đảm an ninh thông tin về các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, mạng lưới điện khu vực và xuyên khu vực, hệ thống đường ống dầu khí, đường sắt cao tốc, sân bay, cầu đường, đường hầm, cảng biển, nhà máy phát điện, thiết bị điện hạt nhân, kiến trúc phức tạp thành phố và mạng lưới thông tin cơ sở quốc gia.

Quy hoạch cũng yêu cầu cần từng bước tăng cường xây dựng hệ thống ứng phó khẩn cấp quốc gia, hoàn thiện mạng lưới an toàn công cộng và tiêu chuẩn cũng như quy phạm ứng dụng kỹ thuật thông tin, tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật vượt bộ ngành, xuyên khu vực trong việc phối hợp xử lý các sự việc xảy ra đột xuất. Đẩy nhanh xây dựng kho số liệu cơ sở quản lý ứng phó khẩn cấp, thúc đẩy thu thập, quản lý và chia sẻ dữ liệu lịch sử và dữ liệu kỹ thuật, nhằm cung cấp số liệu cơ sở tin cậy cho việc ứng phó hiệu quả với mọi biến cố bất ngờ.

Nguyễn Chanh (TH)


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.939
Hôm qua : 7.008
Tháng 05 : 31.862
Năm 2025 : 780.651
Tổng số : 84.737.584