Đảm bảo an toàn cho học sinh trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5
![]() |
Đảm bảo an toàn cho học sinh trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Hoàng Hữu Trung cho biết để đảm bảo an toàn cho học sinh trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Sở đã có văn bản hướng dẫn các trường tăng cường tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa lịch sử ngày 30/4 và 1/5; vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông, không tham gia tổ chức đua xe, cổ vũ đua xe trái phép.
Trong thời gian nghỉ lễ, các trường cần tổ chức phân công lực lượng kiểm tra các điều kiện an toàn, phòng, chống cháy nổ trong trường học, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và cơ sở vật chất của đơn vị trong những ngày nghỉ.
Đối với các đơn vị, trường học thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày/tuần vào thứ Bảy và Chủ nhật thì học sinh sẽ được nghỉ từ ngày 30/4 (thứ Tư) đến hết ngày 4/5 (Chủ nhật). Các đơn vị, trường học được nghỉ thuộc diện này sẽ đi làm bù vào ngày thứ Bảy 26/4.
Đối với các đơn vị, trường học không thực hiện lịch nghỉ cố định hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần thì chỉ được nghỉ hai ngày 30/4 và 1/5.
Như vậy, hầu hết học sinh các cấp từ trung học cơ sở trở lên (trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên...) trên địa bàn thành phố đều sẽ chỉ được nghỉ hai ngày trong dịp lễ này. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây!
Công bố quyết định lập Học viện Chính trị Công an nhân dân
Ngày 25/4, phát biểu tại Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh việc tạo điều kiện tốt nhất để Học viện Chính trị Công an nhân dân ổn định tổ chức, triển khai tuyển sinh đào tạo khóa 1 ngay trong năm học 2014-2015; đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho lực lượng công an nhân dân.
Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Học viện Chính trị Công nhân dân là một sự kiện lớn, ghi nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác giáo dục, đào tạo trong công an nhân dân, đánh dấu sự phát triển lớn mạnh và ngày càng hoàn thiện của hệ thống nhà trường trong công an nhân dân.
Đại tướng Trần Đại Quang cho rằng nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội đang đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi công tác đào tạo cán bộ phải tiếp tục được tăng cường và đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh toàn diện cả về phẩm chất chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ.
Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Học viện Chính trị Công an nhân dân cần tập trung tổ chức quán triệt nghiêm túc Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ và Chương trình phát triển giáo dục đào tạo trong công an nhân dân giai đoạn 2011-2015. Theo vietnamplus.vn. Xem chi tiết tại đây!
Các trường chuyên nghiệp 'cầu cứu' Quốc hội
"Nhiều trường không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh chỉ đạt 20% so với năng lực đào tạo của trường; Một số chính sách của ngành giáo dục là rào cản đối với sự phát triển giáo dục nghề nghiệp...cần có giải pháp tháo gỡ." Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật kiến nghị. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật) Phan Minh Quảng vừa có văn bản gửi Văn phòng Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD-ĐT... kiến nghị một số nội dung đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Theo kiến nghị ông Quảng nêu thực trạng, hiện có sự chồng chép, chia cắt trong quản lý đào tạo đối với giáo dục nghề nghiệp. Có sự phân biệt đối xử từ nhận thức đến quan điểm về đầu tư phát triển giữa hai hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề.
Quy mô tuyển sinh ngày càng giảm, nhiều trường không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh chỉ đạt 20%-30% so với năng lực đào tạo của trường trung cấp chuyên nghiệp và từ 50-60% đối với các trường CĐ. Cơ chế quản lý giáo dục chuyên nghiệp còn chưa thống nhất, mỗi tỉnh áp dụng một cơ chế quản lý khác nhau...
Do đó, ông Quảng kiến nghị: Ủy ban văn hóa giáo dục của Quốc hội, Bộ GD-ĐT và các Bộ ngành liên quan cần có những chủ trương, chỉ đạo triển khai cụ thể hóa đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp. Trước mắt cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập... Theo vietnamnet.vn. Xem chi tiết tại đây!
Bộ trưởng GD-ĐT: "Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nói không với bệnh thành tích"
Đổi mới căn bản nền giáo dục trước hết phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm, dạy tốt, học tốt, khơi dậy tiềm năng, trí sáng tạo của học sinh, tránh chạy theo bệnh thành tích…
Đây là những vấn đề căn bản được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phổ biến tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” do Sở GD -ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức vào ngày 28/4.
Hơn 500 cán bộ, giáo viên nòng cốt của các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được Bộ trưởng quán triệt một số nội dung liên quan đến việc đổi mới giáo dục, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đặc biệt, đi sâu 9 nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện đổi mới thành công trong thời kỳ hiện nay.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản nền giáo dục trong thời đại mới. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một công việc hết sức trọng đại, phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo. Theo dantri.com.vn. Xem chi tiết tại đây!
Rút Đề án Đổi mới sách giáo khoa khỏi kỳ họp 7 của Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã chính thức xin rút nội dung thảo luận về báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình-sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 6 trước khi kỳ họp Quốc hội diễn ra.
Theo đó, Đề án sẽ không được trình trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 13 diễn ra vào tháng Năm tới.
Bộ trưởng Luận cho biết, tại phiên họp ngày 14/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy viên đã đề nghị Bộ bổ sung nội dung hồ sơ đề án, trong đó có vấn đề kinh phí. Vấn đề kinh phí không trình được lần này vì phải có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính và các bộ liên quan, sau đó là ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Vì vậy, Bộ phải có thời gian để chuẩn bị. Bộ đã xin ý kiến Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý rút nội dung này.
Cũng theo Bộ trưởng Luận, xin rút ra khỏi chương trình kỳ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khẩn trương hoàn thiện để trình ra vào một thời điểm phù hợp. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây!
Đinh Lan TH