A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm tin y tế đáng chú ý

(laichau.gov.vn)
(laichau.gov.vn) Virus H7N9 có thể lây qua đường bài tiết của người; Phát hiện ra nguồn gốc của nhiều căn bệnh ung thư ; WHO kêu gọi tăng cường đầu tư nghiên cứu y học… tin tức y tế đáng chú ý.

Virus H7N9 có thể lây qua đường bài tiết của người

Trong một công trình nghiên cứu chung, các chuyên gia thuộc Đại học Hong Kong và Bệnh viện Chi nhánh số 1 của Đại học Chiết Giang đã tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm lấy từ 12 bệnh nhân cúm gia cầm H7N9 nhập viện trong khoảng thời gian từ 10-23/4, trong đó một nửa số trường hợp đã bị tử vong.  Xét nghiệm cho thấy các mẫu phân được lấy từ 4/6 bệnh nhân tử vong có kết quả dương tính với virus H7N9, tương đương tỷ lệ 67%. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ 5% và 33% ở những bệnh nhân nhiễm cúm thông thường ở người hoặc cúm gia cầm H5N1. 

Giáo sư Viên Quốc Dũng, một chuyên gia về vi trùng học thuộc Đại học Hong Kong cho biết, về mặt lý thuyết, virus H7N9 có thể lây nhiễm giống như cách thức lây nhiễm của virus viêm đường hô hấp cấp (SARS) vào năm 2003 là thông qua hệ thống cống dẫn nước thải.  Phát hiện mới vừa được công bố rất quan trọng đối với chiến dịch kiểm soát sự lây nhiễm của dịch cúm H7N9 do loại virus này trong phân người có thể bị thải ra ngoài môi trường. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây.

Phát hiện ra nguồn gốc của nhiều căn bệnh ung thư

Các nhà khoa học Anh lần đầu tiên đã vẽ được sơ đồ tổng thể các quy trình biến đổi gen dẫn đến các căn bệnh ung thư. Đây được coi là bước đột phá giúp ngành y học thế giới tìm ra những giải pháp tối ưu trong việc chữa trị và ngăn chặn ung thư trong tương lai. Theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature (Anh) số ra ngày 14/8, sau khi phân tích hơn 7.000 bộ gen (mã gen) của các bệnh nhân mắc những bệnh ung thư thông thường, các nhà khoa học đã phát hiện 21 dấu hiệu của quá trình đột biến gen, trong đó tất cả các dạng ung thư đều xuất hiện ít nhất 2 hoặc 3 biểu hiện của quá trình đột biến gen.

Một số dấu hiệu đột biến xuất hiện phổ biến ở nhiều loại ung thư, song có những bệnh ung thư chỉ tồn tại một dạng đột biến. Tuy nhiên, các nhà khoa học kết luận rằng 25 trong số 30 căn bệnh ung thư đều phát hiện dấu hiệu của các quá trình đột biến gen liên quan đến lão hóa.

Các nhà nghiên cứu Anh còn phát hiện ra một loạt enzim (có tên khoa học là APOBEC), gây biến đổi ADN, liên quan tới hơn một nửa các bệnh ung thư trong công trình nghiên cứu trên. APOBEC có thể bị kích hoạt khi cơ thể con người phản ứng với nhiễm virus. Các nhà khoa học cho rằng khi enzim hoạt động để bảo vệ tế bào không nhiễm virus, cũng là lúc xuất hiện những dấu hiệu đột biến phá hoại bộ gen người.

Từ nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ một số vấn đề như các độc tố hóa chất có trong khói thuốc lá chính là nguyên nhân gây ra đột biến tế bào phổi dẫn đến ung thư hoặc tia cực tím sẽ gây ra đột biến các tế bào da dẫn đến ung thư. Mặc dù vậy, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra những quá trình sinh học là nguyên nhân gây ra đột biến gen ở một số bệnh ung thư phổ biến khác. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây.

WHO kêu gọi tăng cường đầu tư nghiên cứu y học

Trong những năm gần đây, mức đầu tư cho nghiên cứu y học tại các nước có thu nhập thấp và trung bình đã tăng đều đặn hàng năm khoảng 5%. Mức tăng trên được đặc biệt ghi nhận tại Brazil, Trung Quốc và ấn Độ. Nhờ tăng nguồn đầu tư nên số lượng các công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sức khỏe con người trên thế giới đã tăng đáng kể trong thời gian qua.

Ngoài ra, giới y học tại tất cả các quốc gia, bất kể giàu nghèo, đều có thể sử dụng rộng rãi các kết quả nghiên cứu của các đồng nghiệp để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cứu chữa những người mắc các bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, các chuyên gia của WHO cho rằng việc phổ biến các thành tựu y học cần được nhân rộng kịp thời hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả trong cả việc phát hiện và trị bệnh. WHO cũng đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, coi việc phòng bệnh là giải pháp tối ưu để giảm thiểu những nguy cơ làm tổn hại sức khỏe con người, cũng như giảm bớt gánh nặng tài chính trong khám chữa bệnh. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây.

Thêm một trường hợp tử vong vì H5N1 ở Campuchia

Một quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia ngày 19/8 xác nhận một cậu bé 9 tuổi ở tỉnh Battambang, Tây Bắc Campuchia, đã tử vong tối 18/8 do nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Đây là trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 thứ 10 bị tử vong trong số 16 người nhiễm loại virus gây chết người này tại Campuchia kể từ đầu năm đến nay.

Campuchia phát hiện trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 đầu tiên năm 2004. Tính đến nay, ở nước này đã có 37 trường hợp nhiễm virus H5N1, trong đó 29 trường hợp đã tử vong. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây.

Hong Kong phát hiện một chủng virus cúm mới ở lợn

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, các chuyên gia vi trùng học thuộc Đại học Hong Kong vừa phát hiện một chủng virus cúm mới ở lợn tại một cơ sở giết mổ thuộc khu vực Thượng Thủy. Nhóm chuyên gia đặt tên loại virus này là virus số 1 gây bệnh khó thở ở lợn (gọi tắt là PPIV-1). Đây là loại virus thuộc họ paramyxovirus, có khả năng vượt qua cơ chế phòng bệnh của các loài và gây bệnh dịch nghiêm trọng ở các vật chủ mới.

Virus PPIV-1 đã được phát hiện trên 12 con lợn chết ở lò mổ này trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến tháng 6/2012. Loại virus này gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, khiến lợn nhiễm bệnh bị khó thở. Các chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu thêm để xác định xem liệu có phải những con lợn bệnh đã bị chết vì loại virus này hay không.  Theo các chuyên gia, virus PPIV-1 không gây nguy cơ lớn đối với sức khỏe con người nếu thịt lợn được nấu chín.Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Đại học Hong Kong, giáo sư Vi trùng học Viên Quốc Dũng cảnh báo rằng loại virus này có thể biến đổi và lây từ lợn sang người. 

Ông cho biết, virus PPIV-1 có liên quan chặt chẽ đến một số loại virus cúm ở người. Vì vậy cần theo dõi khả năng loại virus này lây nhiễm từ người sang người giống như trường hợp virus cúm lợn H1N1 và virus Nipah ở người. Theo TTXVN. Xem chi tiết tại đây.

Nguyễn Nga (TH)

 


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.770
Hôm qua : 7.535
Tháng 07 : 146.931
Năm 2025 : 1.251.045
Tổng số : 85.207.978