Hoàng Sa 15/6: Tàu Trung Quốc kèm pháo cỡ lớn bao vây tàu Việt Nam
![]() |
Ngày thứ 3 có mặt trên biển Hoàng Sa, mây đen vần vũ, mưa lớn và sóng vẫn dữ dội. 8h sáng 14/6, dưới sự chỉ huy của Hải đội trưởng hải đội 201 Hoàng Quốc Đạt và thuyền trưởng Vũ Trọng Huân, tàu CSB 4032 tiên phong cùng các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tiến sát vào khu vực giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép, để làm nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật.
Khi cách giàn khoan 8,5 hải lý, tàu Việt Nam bật loa tuyên truyền, lập tức 7 tàu Trung Quốc, gồm các tàu 3383, 460001, 31, 13… tổ chức đội hình vây hãm ngăn chặn tàu thực thi pháp luật Việt Nam. Trên boong có 2 khẩu pháo 630 và phía sau có 2 khẩu pháo lớn. Bám sát sau lưng 4032 là nhiều tàu hải giám, tàu kéo...
Chiều 14/6, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, Trung Quốc tiếp tục sử dụng đội tàu bám sát, ngăn cản và sẵn sàng đâm va tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, tại khu vực giàn khoan 981. Theo Tienphong.vn. Xem chi tiết tại đây.
Năm nhân tố quyết định cục diện ở Biển Đông thời gian tới?
Tạp chí Phố Wall phân tích 5 nhân tố mà tờ báo này cho rằng có vai trò quyết định tới cục diện trên Biển Đông thời gian tới. Đó là: Trung Quốc liệu có rút giàn khoan?; Diễn biến vụ Philippines kiện Trung Quốc; COC - ngưng trệ hay thúc đẩy?; Những hội nghị thượng đỉnh sắp tới; Khả năng xảy ra những sai lầm tai hại.
Cũng theo tạp chí Phố Wall, cho đến gần đây, cộng đồng quốc tế đánh giá những hành động gây căng thẳng trên biển của Trung Quốc một phần xuất phát từ sự kèn cựa của nhiều cơ quan chính phủ với phần thắng thường thuộc về phe “diều hâu”. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trên Biển Đông, cụ thể là vụ giàn khoan, giới quan sát nhận thấy “9 con rồng” không còn “mạnh con nào con nấy phá”. Tờ báo chỉ ra rằng Trung Quốc đã thống nhất các cơ quan chấp pháp trên biển thành một lực lượng hải cảnh duy nhất và thành lập một siêu ủy ban an ninh mang tên Ủy ban An ninh Quốc gia dưới sự điều hành của các lãnh đạo cao cấp nhất. Trên thực tế, kể từ khi Ủy ban này ra đời, tình hình an ninh tại các vùng biển quanh Trung Quốc càng bất ổn hơn so với thời “9 con rồng” còn ganh đua nhau. Điều này khiến tình hình khu vực càng trở nên nguy hiểm và không loại trừ nguy cơ nổ ra xung đột. Theo Chinhphu.vn. Xem chi tiết tại đây.
Trung Quốc giảm số tàu quanh giàn khoan do thời tiết xấu
Tiếp tục thông tin trên thực địa về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 14/6, tàu cảnh sát biển 8003 và các tàu kiểm ngư của Việt Nam cơ động tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 để tuyên truyền khẳng định chủ quyền và phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, yêu cầu giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc phải dời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thì các tàu của Trung Quốc ngay lập tức truy đuổi tàu của chúng ta.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, ngày 14/6, trên khu vực biển đông thời tiết xấu, gió tây nam giật cấp 5, cấp 6 và thời tiết có lúc có mưa gây khó khăn cho các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư trong việc quan sát và phát hiện hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu của Trung Quốc. Từ buồng quan sát của tàu 8003 cho thấy, xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc vẫn duy trì hơn 70 tàu các loại gồm tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu kéo và các tàu dịch vụ hậu cần.
Mặc dù thời tiết xấu nhưng các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn tiếp tục tổ chức đội hình hướng vào giàn khoan Hải Dương 981 để tuyên truyền và yêu cầu giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ vệ rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam Theo vov.vn. Xem chi tiết tại đây.
Trung Quốc đang chơi trò nghi binh
Bất chấp những phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Thậm chí, nước này còn cử hàng trăm tàu cỡ lớn, gồm cả tàu quân sự, và các máy bay ra hộ tống, ngang nhiên đâm va các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam và đâm chìm tàu cá của ngư dân Quãng Ngãi.
Những hành động này cho thấy Trung Quốc đang cố đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm để thu hút mọi sự chú ý vào hoạt động của “lãnh thổ di động trên biển”, một hành động tuy mang tính sai phạm nghiêm trọng nhưng xét cho cùng vẫn có thể sửa chữa nếu một ngày nào đó Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trên thực tế, Trung Quốc đang chơi trò nghi binh. Mục đích chính của nước này không phải là việc hạ đặt giàn khoan hay di chuyển nó trong vùng biển của Việt Nam, mà là tiến hành các hoạt động xây dựng lớn trên bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn ở Trường Sa và bãi đá Chữ Thập thuộc cụm Nam Yết ở Hoàng Sa của Việt Nam. Theo tính toán của các nhà chiến lược biển Trung Quốc, Gạc Ma và Đá Chữ Thập sẽ được xây dựng trở thành hai căn cứ hải quân lớn nằm ngay tại yết hầu Biển Đông nhằm nhân thêm sức mạnh cho hải quân Trung Quốc và chặn đường ra biển của Việt Nam. Theo dantri.com. Xem chi tiết tại đây.
Nguyễn Nga (TH)