Tổng hợp tin quốc tế đáng chú ý trong tuần (Từ 25/7-31/7)
![]() |
1. 60 người thiệt mạng do mưa bão, lở đất
Theo Vietnamnet.vn, có ít nhất 60 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người mất tích do mưa bão và lở đất tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc trong vài ngày qua. Cơ quan khí tượng Hàn Quốc cho biết mưa lũ đã tấn công khu vực đồi núi của thủ đô Seoul, chôn vùi nhiều vùng đất thấp, xe cộ và nhà cửa. Đặc biệt, tại khu nghỉ dưỡng Chuncheon, cách Seoul 100 km về phía đông, lở đất cướp đi sinh mạng của 13 người. Cảnh sát, cứu hỏa đã được huy động tới những nơi sạt lở để làm công tác cứu hộ. Các nhà chức trách cho biết một vài cây cầu chính bắc qua sông Hàn để đi vào trung tâm thành phố cũng đã tạm ngừng hoạt động. Dịch vụ tàu điện cũng bị gián đoạn, điện thoại di động ở nhiều nơi bị mất sóng, tình trạng mất điện lan rộng, 700 ngôi nhà bị ngập, 4.500 người đã bị cưỡng chế sơ tán. Theo ước tính của Dịch vụ giám sát tài chính, thiệt hại vật chất do mưa bão gây ra có thể lên tới hàng trăm triệu đô la, chỉ riêng tiền bảo hiểm cho xe hơi cũng đã lên tới 25 triệu USD.
Tại Hàn Quốc, các tình nguyện viên đã có mặt khắp thủ đô Seoul và các khu vực lân cận trong ngày 29/7 để dọn dẹp và làm công tác hỗ trợ nhân đạo sau khi nước này phải hứng chịu trận mưa bão lớn kỷ lục.
2. Nhật-Trung thúc thảo luận đường dây nóng quân sự
Ngày 26/7, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kimito Nakae và Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên đã nhất trí sẽ đẩy nhanh các cuộc thảo luận thiết lập đường dây nóng quân sự nhằm tránh xảy ra các sự cố trên vùng biển gần với lãnh thổ Nhật Bản. Trong cuộc hội đàm quốc phòng song phương cấp thứ trưởng lần đầu tiên được tổ chức kể từ tháng 3/2008, hai bên đã nhất trí các quan chức quốc phòng hai nước sẽ đẩy nhanh việc thiết lập đường dây nóng quân sự trên biển để ngăn chặn các xung đột trên vùng biển gần với Nhật Bản. Hai bên tái xác nhận sẽ nối lại các hoạt động giao lưu quốc phòng và chuẩn bị cho chuyến đi thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshima Kitazawa trong thời gian tới. Hai bên cũng đã trao đổi ý kiến về tính minh bạch trong phát triển quân sự của Trung Quốc, tình hình an ninh khu vực và vấn đề biển Đông.
3. "Thế giới cần hành động khẩn với vũ khí hạt nhân"
Ngày 27/7, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Yukiya Amano, đã kêu gọi thế giới hành động thống nhất và khẩn cấp để xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 23 về các vấn đề giải trừ quân bị ở thủ đô Vienna, Áo, ông Amano nhấn mạnh trụ cột căn bản mà dựa trên đó IAEA hành động suốt hơn năm thập kỷ qua là đảm bảo khoa học và công nghệ hạt nhân hoàn toàn vì các mục đích hòa bình. Cho đến nay, các hiệp định bảo vệ toàn diện này đã có hiệu lực ở 109 nước. Tổng Giám đốc IAEA cũng lưu ý rằng IAEA có nghĩa vụ giúp đỡ các nước giảm nguy cơ các tổ chức khủng bố giành được nguyên liệu hạt nhân hoặc nguyên liệu phóng xạ, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn sự phá hoại nhằm vào các phương tiện hạt nhân và đảm bảo an ninh hạt nhân cho các sự kiện công cộng quan trọng như các Đại hội Olympic, các giải vô địch bóng đá các châu lục và quốc tế.
4. Xu hướng khủng bố mới đang nổi lên ở phương Tây
Tại sao một đất nước hòa bình và thịnh vượng như Na Uy lại phải hứng chịu vụ đánh bom và thảm sát đẫm máu đến như vậy do chính công dân của mình gây ra? Câu hỏi đó đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, những manh mối đã bắt đầu xuất hiện, nhiều câu hỏi hóc búa hơn đang được nêu ra về bản chất của hoạt động khủng bố tại các quốc gia phương Tây. Tại một phiên tòa diễn ra ở thủ đô Oslo, Anders Behring Breivik - người Na Uy, 32 tuổi, kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công kép hồi tuần trước - đã nói về động cơ hành động của hắn. Theo Thẩm phán Kim Heger, chủ tọa phiên tòa kín diễn ra hôm 25/7, Breivik nói với quan tòa rằng các vụ tấn công nhằm mục đích gửi "một tín hiệu mạnh mẽ tới người dân Na Uy" và hắn muốn "làm tổn hại Công Đảng nhiều nhất có thể, để đảng này khó có thể có thêm các thành viên mới."
5.Mỹ tiến hành đối thoại với một số nước thành viên NATO về kế hoạch lá chắn tên lửa
Hãng thông tấn Ria Novosti ngày 29/7 trích tin từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho hay, Washington hiện đang tiến hành đối thoại với một số nước thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) về kế hoạch triển khai một hệ thống radar- thuộc một phần hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu.
Trong khi Mỹ và NATO đã nhiều lần khẳng định rằng, hệ thống tên lửa này chỉ nhằm bảo vệ các nước thành viên NATO khỏi nguy cơ bị tấn công tên lửa từ Iran và CHDCND Triều Tiên và không hề trực tiếp nhằm vào Nga. Tuy nhiên, Moscow vẫn luôn bày tỏ nhiều nghi ngại trước kế hoạch Mỹ cho triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tại khu vực tiếp giáp biên giới quốc gia mình với lập luận rằng, hệ thống này sẽ trở thành một mối đe dọa an ninh đối với Nga. Thậm chí ngày 28/7, Đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin còn đưa ra nhận định về khả năng Mỹ sẽ coi dự án triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu như một tiền đề để tấn công Iran. Ria Novosti trích lời ông Rogozin cho biết: “Hệ thống tên lửa phòng thủ này không chỉ đơn thuần mang tính chất phòng thủ…Hiện có nhiều chuyên gia kỳ cựu tại Nga cùng một số nước khác đang bày tỏ lo ngại rằng hệ thống tên lửa phòng thủ tại châu Âu vốn được lên kế hoạch xây dựng để bảo vệ khu vực này khỏi nguy cơ bị tấn công từ Iran trên thực tế có nguy cơ sẽ được sử dụng như một bước đệm để chuẩn bị tấn công chính nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”. Theo quan điểm của Đại sứ Nga tại NATO, việc tạo nên một hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm chống lại các thiết bị vũ khí và những mối đe dọa không tồn tại chỉ làm tình hình thêm phức tạp./.
Đinh Lan