Tổng hợp tin tức liên quan đến vấn đề toàn cầu
![]() |
Các nhà khoa học Ural (LB Nga) vừa công bố đã tìm ra được thuốc chữa bệnh AIDS - đại dịch của thế kỷ. Chất chủ đạo của thuốc do bào thai sản sinh ra, có khả năng phong tỏa các phản ứng tự miễn dịch của cơ thể. Hiện nay, loại thuốc được cả loài người chờ đợi này mang tên “Profital” đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng trên người và tỏ ra vô cùng công hiệu. Theo dự kiến, năm 2012, thuốc sẽ được tiến hành sản xuất trên quy mô lớn. Trong quá trình thử nghiệm ban đầu, người ta không phát hiện thấy bất cứ một dấu hiệu nào về sự có mặt của virus sau khi điều trị. Chất chủ đạo của thuốc là “Protein anpha”, một loại protein do bào thai sản sinh ra, có khả năng phong tỏa các phản ứng tự miễn dịch của cơ thể, và tiêu diệt các virus nằm ở bên trong tế bào. Mỗi gam thuốc sẽ bào chế thành 30.000 liều có giá hơn 8 triệu USD. Từ những thành công trong nghiên cứu, các nhà khoa học hy vọng 42 triệu bệnh nhân AIDS trên thế giới sẽ thoát khỏi án tử hình của căn bệnh nan y số 1 của hành tinh. Theo VOV.VN.
Liên hợp quốc cần 7,7 tỷ USD cho hoạt động nhân đạo trong năm 2012
Ngày 14/12, Liên hợp quốc (LHQ) và các đối tác đã yêu cầu 7,7 tỷ USD, mức lớn nhất trong 2 thập kỷ qua, để cung cấp viện trợ nhân đạo cho 51 triệu người ở 16 quốc gia trong năm 2012. Phát biểu tại lễ phát động yêu cầu giúp đỡ này ở Giơnevơ (Geneva, Thụy Sĩ), Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Valêri Amốt (Valerie Amos) nói: "Hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp gây ra do tác động của biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và nước, các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, di cư, đô thị hóa và dân số tăng nhanh. Chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ nhân dân và chính phủ các nước trên khắp thế giới để giúp những người khó khăn". Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), mức yêu cầu hỗ trợ trong năm 2012 là lớn nhất kể từ khi Tiến trình yêu cầu hỗ trợ hợp nhất (CAP) được thiết lập năm 1991. Những yêu cầu hỗ trợ trong năm 2012 tập trung vào các nước Ápganixtan, Cộng hòa Trung Phi (CAR), CH Sát, Cốt Đivoa, CHDC Cônggô (DRC), Gibuti, Haiti, Kênia, Nigiê, Palextin, Philíppin, Xômali, Nam Xuđăng, Xuđăng, Yêmen và Dimbabuê. Theo TTXVN.
Lạm phát cao đe dọa phục hồi kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 8/12, tại Hội nghị các nhà hoạch định chính sách kinh tế cấp cao của 29 nước châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra ở thủ đô Băng Cốc của Thái Lan, Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo lạm phát cao, đặc biệt là giá lương thực và nhiên liệu tăng cao hiện nay, ở châu Á - Thái Bình Dương có thể làm giảm tới 1,5% tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 và 2012 của khu vực này. Trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu xấu đi nhanh chóng, lạm phát cao đang làm cho khu vực này khó khăn hơn trong việc đáp ứng các mục tiêu phát triển quốc tế. Theo số liệu của UNESCAP, số người nghèo sống ở châu Á - Thái Bình Dương chiếm hơn 70% tổng số người nghèo trên thế giới. Tỷ lệ người nghèo cao nhất ở Nam và Tây Nam Á lên tới 36,1%, sau đó là Đông Nam Á với 21,2%, Đông và Đông Bắc Á với 13%, Bắc và Trung Á với 8,3%. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây cũng là cơ hội để châu Á - Thái Bình Dương tái điều chỉnh tăng trưởng và tái cân bằng nền kinh tế theo hướng coi trọng nhu cầu trong nước và khu vực để duy trì các động lực phát triển. Theo TTXVN.
Pháp kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ lương thực ở vùng Sahel
Trong bối cảnh nghèo đói đang lan tràn tại các quốc gia vùng Sahel của châu Phi, ngày 14/12, Pháp đã quyết định dành 10 triệu EUR (tương đương 13 triệu USD) để hỗ trợ lương thực khẩn cấp cho khu vực này. Pháp cũng đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục những nỗ lực để giúp các quốc gia vùng Sahel (bao gồm Burkina Faso, Mali, Mauritania, Niger và Chad) đối phó với tình hình lương thực vốn gặp nhiều khó khăn ở khu vực này. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, cuộc khủng hoảng lương thực mới tại khu vực Sahel sẽ lên tới đỉnh điểm vào tháng 4/2012, khi mà mùa màng thất bát, giá lương thực tăng cao và sự du nhập của người tị nạn từ Libya đến khu vực này. Có khoảng 9 triệu người dân vùng Sahel của châu Phi sẽ phải đối mặt với khủng hoảng lương thực trong năm tới, tương tự như trong các năm 2005 và 2010. Năm 2010, khủng hoảng lương thực đã làm ảnh hưởng tới 10 triệu người dân khu vực này. Theo cpv.org.vn.
WHO: Thành quả cuộc chiến chống sốt rét toàn cầu dễ bị đảo ngược
Ngày 14/12, trong báo cáo về bệnh sốt rét trên thế giới năm 2011, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tiến triển lạc quan trong cuộc chiến chống căn bệnh này trên toàn cầu vẫn mong manh và dễ bị đảo ngược mặc dù tỷ lệ tử vong vì sốt rét so với năm 2000 đã giảm hơn 25% trên toàn cầu và 33% ở khu vực châu Phi.WHO kêu gọi cộng đồng thế giới không để khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay làm đảo ngược những tiến bộ trong cuộc chiến chống sốt rét toàn cầu trong bối cảnh tiến triển chống sốt rét trên toàn thế giới đã chậm lại. Tuy tỷ lệ tử vong giảm trung bình 5% hàng năm trong thập kỷ qua nhưng số lượng người tử vong vì sốt rét như vậy vẫn cao so với một căn bệnh được toàn thế giới tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn và điều trị. Nguồn tài trợ phòng chống và ngăn chặn sốt rét toàn cầu giảm làm cho cộng đồng dân cư có nguy cơ bùng phát bệnh tăng lên trên toàn cầu, trong khi tình trạng vi trùng kháng thuốc phổ biến hơn cần nguồn tài trợ nhiều hơn để nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc mới. Theo TTXVN.
Đinh Lan tổng hợp