Tổng hợp tin tức quốc tế trong tuần
Mỹ: Làn sóng biểu tình “Chiếm Phố Uôn” lại bùng phát, hàng trăm người bị bắt giữ;
Trong hai ngày qua, phong trào “Chiếm Phố Uôn” (Occupy Wall Street) tại Mỹ lại bùng phát khi các cuộc biểu tình đồng loạt diễn ra tại nhiều thành phố. Cảnh sát thành phố Ốcơlân (Oakland), bang Caliphonia (California), đã dùng vũ lực giải tán và bắt giữ hàng trăm người biểu tình. Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Oasinhtơn, sáng 30/1, hàng trăm cảnh sát cùng nhân viên Sở dịch vụ công viên thủ đô Oasinhtơn đã được điều động tới hai khu công viên chính là Freedom Plaza ngay cạnh khuôn viên Nhà Trắng và McPherson Park gần tòa nhà Quốc hội để cưỡng chế người biểu tình tuân thủ thời hạn chót 12 giờ trưa 30/1 phải tháo dỡ toàn bộ các tấm biển quảng cáo và lều trại họ đã dựng lên suốt từ tháng 10/2011 tại hai khuôn viên này. Phát ngôn viên lực lượng cảnh sát công viên, Trung sĩ Đavít Sludơ (David Schlosser) cho biết tuy không dễ thuyết phục, nhưng phần lớn người biểu tình đã tự nguyện làm theo sự chỉ dẫn của lực lượng chức năng. Người biểu tình tố cáo cảnh sát sử dụng súng điện “Taser” để bắt giữ một thành viên của họ. Theo TTXVN.
Bế mạc Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba
Ngày 29/1, Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba đã bế mạc với việc thông qua Nghị quyết về các mục tiêu công tác của tổ chức chính trị này cũng như những kết luận của các cuộc họp theo ủy ban. Nghị quyết được thông qua tại Hội nghị là cơ sở hành động của Đảng, trong đó ưu tiên phòng và đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, những hành vi phạm pháp và vô kỷ luật. Văn kiện này cũng xác định những biện pháp để tách bạch chức năng nhiệm vụ giữa tổ chức Đảng và chính quyền, tránh tình trạng tham gia vào các quyết định thuộc thẩm quyền của chính phủ và các cơ quan quản lý. Ngoài ra, Nghị quyết cũng thông qua việc cập nhật những nguyên tắc cơ bản trong mối quan hệ giữa Đảng và Đoàn Thanh niên Cộng sản. Theo TTXVN.
TEPCO phát hiện 14 điểm rò rỉ nước ở nhà máy Fukushima I
Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết vừa phát hiện 14 điểm rò rỉ nước tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I. Theo TEPCO, các điểm rò rỉ này dường như đã xuất hiện vào ngày 29/1, sau khi nước bị đóng băng do nhiệt độ môi trường bên ngoài xuống âm 8 độ C làm vỡ các đường ống dẫn nước vào hệ thống làm mát cho bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 4. Khoảng 40 lít nước ở bể lò 4 đã rò rỉ ra ngoài, song rất may là nước rò rỉ chứa hàm lượng chất phóng xạ không đáng kể.Sự cố này đã làm hệ thống làm mát của bể chứa nhiên liệu ngừng hoạt động trong 100 phút. Tuy nhiên, nhiệt độ của bể chứa vẫn không thay đổi, luôn ở mức 21 độ C. Viện An toàn Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (NISA) đã cho lắp đặt thiết bị kiểm tra rò rỉ và tiến hành các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Cùng ngày, Bộ trưởng xử lý sự cố hạt nhân Gôsi Hôxônô (Goshi Hosono) cho biết hai tuần sau khi sự cố hạt nhân Fukushima I xảy ra hồi tháng 3/2011, một số nghị sĩ, trong đó có Thủ tướng khi đó là ông Naôtô Can (Naoto Kan), đã tính đến "kịch bản tồi tệ nhất" về tiến triển khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima I nhưng không loan báo rộng do lo ngại có thể gây hoang mang trong dân chúng. Theo đó, lò phản ứng số 1 ở nhà máy Fukushima I sẽ phát nổ và bể chứa thanh nhiên liệu lò số 4 cạn nước hoàn toàn, làm thoát thêm nhiều chất phóng xạ vào môi trường. Theo TTXVN.
Bãi công làm "tê liệt" nước Bỉ đúng ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU
Nước Bỉ đã bị tê liệt trong ngày 30/1 do cuộc tổng bãi công kéo dài 24 giờ của nhân viên các ngành giao thông, giáo dục, y tế, xã hội... để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ và cắt giảm các chương trình xã hội mà chính phủ nước này vừa công bố. Cuộc bãi công diễn ra vào đúng thời điểm Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức tại nước này nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công và vực dậy nền kinh tế EU đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Để đối phó với cuộc tổng bãi công này, Chính phủ Bỉ buộc phải chuẩn bị "phương án B", theo đó sẽ đón nguyên thủ các quốc gia EU tại một sân bay quân sự nằm cách thủ đô Brúcxen vài chục km. Ngay chiều 29/1, nhân viên ngành giao thông đã tiến hành tổng bãi công. Tại các thành phố của Bỉ, hoạt động giao thông công cộng bị hạn chế đến mức tối đa. Các chuyến tàu hỏa liên tỉnh, thậm chí tàu tốc hành từ Brúcxen đi Pari (Pháp), Luân Đôn (Anh) và Amxtécđam (Hà Lan) đều ngừng hoạt động. Các trường học, công sở cũng đóng cửa trong ngày 30/1, tại tất cả các bệnh viện chỉ duy nhất dịch vụ cấp cứu là có người trực…Những gì đang diễn ra tại Bỉ cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung ơrô (Eurozone) kéo dài sang năm thứ ba, đã bắt đầu lan sang cả lĩnh vực xã hội. Cuộc tổng bãi công có quy mô tương tự diễn ra gần đây nhất tại Bỉ là vào năm 1993. Theo TTXVN.
Chính phủ Syria chấp thuận đề xuất của Nga về đàm phán không chính thức với phe đối lập
Bộ Ngoại giao Nga ngày 30/1 cho biết, chính quyền Syria đã chấp thuận đề nghị của Nga về việc tiến hành đàm phán không chính thức với đại diện phe đối lập tại Moscow để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị vốn đã kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia Trung Đông này. Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Lời đề nghị của chúng tôi đã nhận được ý kiến phản hồi tích cực từ phía các nhà chức trách Syria. Chúng tôi hy vọng phe đối lập tại Syria sẽ đưa ra câu trả lời chính thức về vấn đề này trong một vài ngày tới”. Nga cho biết, đã đề nghị cả chính phủ lẫn phe đối lập Syria nên có cuộc gặp không chính thức tại Moscow mà không kèm theo điều kiện tiên quyết. Nga cho rằng, cuộc đàm phán là cần thiết để chấm dứt ngay tất cả các hành động bạo lực tại Syria, đồng thời bày tỏ tin tưởng nỗ lực này sẽ giúp đảm bảo sự thành công của các cải cách dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria. Nga bày tỏ mong muốn khủng hoảng tại Syria sẽ được chấm dứt thông qua một cơ chế hòa bình do chính người Syria thực hiện mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Theo cpv.org.vn.
Mỹ đề cập tới khả năng thông qua Hiệp định Tự do thương mại với Grudia
Phát biểu trong cuộc hội đàm chiều 30/1 với Tổng thống Grudia đang ở thăm Mỹ, Tổng thống Barack Obama cho biết hai bên đã đạt được thoả thuận về nâng cấp quan hệ, trong đó có việc Washington đang cân nhắc tới khả năng thông qua một Hiệp định Tự do thương mại (FTA) với Tbilisi. Tuyên bố trên được ông Obama đưa ra trong buổi đối thoại với Tổng thống Grudia Mikhail Saakashvili tại Nhà trắng ngày 30/1 nhằm thảo luận về các cách thức thúc đẩy thương mại song phương. Nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ hai bên đã nhất trí nâng quan hệ hợp tác quốc phòng song phương lên một cấp độ mới cao hơn về chất, đồng thời nhấn mạnh Washington ủng hộ nguyện vọng của Tbilisi gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, ông Obama nhấn mạnh: “Hiện vẫn còn nhiều việc phải làm và chúng ta vẫn còn nhiều phương án để tính đến…Một trong những phương án đó là thông qua một Hiệp định Tự do thương mại giữa Mỹ và Grudia”. Theo cpv.org.vn.
Đinh Lan tổng hợp