• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bàn luận sôi nổi về tăng quyền hạn của Chủ tịch nước – Tiêu điểm ngày qua.

(laichau.gov.vn)
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề cao quyền con người; Dự thảo Hiến pháp sửa đổi “cập nhật” nhiều điểm mới; “Chúng tôi gặp khó trong việc quy định quyền hạn Chính phủ”; Bàn về quyền sống trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Bàn luận sôi nổi về tăng quyền hạn của Chủ tịch nước… là những tin tức liên quan đến góp ý sửa đổi Hiến pháp được dư luận quan tâm.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề cao quyền con người

Theo luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), việc đề cao quyền con người trong hoạt động tố tụng là một điểm tiến bộ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Phan Trung Hoài nhận xét, lần đầu tiên trong khoản 3 điều 32 của Dự thảo quy định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa.” Đây là một quy định mới mang tính chất tiến bộ, thể hiện quan điểm đề cao quyền con người trong hoạt động tố tụng, đồng thời đặt vị thế quan trọng của người bào chữa thực hiện chức năng gỡ tội trong mối quan hệ biện chứng với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng xét xử.

Luật sư Phan Trung Hoài cũng đánh giá, tại khoản 5 điều 108 Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi lần đầu tiên quy định: “Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm”, ghi nhận này đã đề cao quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng hình sự và sự bình đẳng trong quá trình giải quyết vụ án. Đó cũng là cơ sở nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của từng chủ thể thực hiện chức năng của mình, đáp ứng những đòi hỏi mới của quá trình cải cách tư pháp hình sự. Theo TTXVN.

 Xem chi tiết tại đây!

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi “cập nhật” nhiều điểm mới

Bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp, làm rõ quy định về trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, về địa vị pháp lý của Kiểm toán NN, bỏ quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo… là những chỉnh lý quan trọng trong bản Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Đúng như Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết trước khi công bố dự thảo Hiến pháp sửa đổi, những định hướng lớn và nguyên tắc cơ bản vẫn được giữ, song một số nội dung cụ thể đã được chỉnh sửa, nâng cấp, hoàn thiện. Bản dự thảo mới nhất gồm 124 điều (ít hơn dự thảo trước 2 điều), từ lời nói đầu đến nhiều nội dung cụ thể của bản dự thảo mới đã có sự điều chỉnh. Theo dantri.com.vn.

 Xem chi tiết tại đây!

“Chúng tôi gặp khó trong việc quy định quyền hạn Chính phủ”

“Ban biên tập chúng tôi gặp khó khăn trong việc quy định quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ. Thiết chế này càng linh hoạt, đất nước càng giàu mạnh. Vấn đề là làm sao kiểm soát để tránh việc lộng quyền”, thành viên ban soạn thảo Hiến pháp sửa đổi cho hay. GS.TS Trần Ngọc Đường là ủy viên thường trực Ban biên tập Sửa đổi Hiến pháp 1992. Cùng với Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý – Trưởng Ban biên tập, GS Đường tham gia hội nghị triển khai tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) ngày 16/1.

Trình bày về những hướng sửa đổi mới nhất cũng như gợi ý những điểm bản dự thảo Hiến pháp còn “vướng”, đang chờ đợi được hiến kế để hoàn thiện, GS Đường cho biết, điểm sâu sắc nhất trong lần sửa đổi này là nội dung phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ tập thể của người dân. Bản chất của nội dung này là phát huy quyền lực của người dân trong bộ máy nhà nước (nói cách khác là chủ quyền của người dân) cũng như quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân. Đây là nội dung xuyên suốt bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Theo dantri.com.vn.

 Xem chi tiết tại đây!

Bàn về quyền sống trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Quyền sống (hay quyền được sống) là quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người, là một trong những nội dung quan trọng của Nhân quyền. Điều 21 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mọi người có quyền sống”. Từ trước tới nay, quyền sống đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quan trọng của quốc tế, của các nước và của nước ta như: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc năm 1966; Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1989; Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776; Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam 1945... Điều 3 của bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 cũng đã khẳng định điều đó

Trong các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992), quyền được sống được thể hiện thông qua việc quy định các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm... của công dân. Việc quy định quyền được sống trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện một bước tiến mới trong tiến trình lập hiến của chúng ta. Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này, để hoàn thiện hơn, chúng tôi cho rằng nên gộp Điều 21 (quy định về quyền sống) vào Điều 22 (quy định quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền được hiến xác, hiến bộ phận cơ thể) thành một điều trong Hiến pháp. Vì các quy định tại Điều 22 của dự thảo chỉ là sự cụ thể hóa, mở rộng nội dung của Điều 21. Mặt khác việc gộp 2 điều này với nhau sẽ làm cho bản Hiến pháp ngắn gọn hơn, lôgic hơn, theo đúng yêu cầu của một đạo luật gốc. Theo baohatinh.vn.

 Xem chi tiết tại đây!

Bàn luận sôi nổi về tăng quyền hạn của Chủ tịch nước

Chủ tịch nước có quyền triệu tập Chính phủ và chủ trì họp bàn về các vấn đề thuộc thẩm quyền”, "Yêu cầu Quốc hội thảo luận lại hoặc xem xét lại một dự luật”… nhiều ý kiến góp ý sửa Hiến pháp đều đề cập vấn đề tăng thẩm quyền cho Chủ tịch nước. Cùng với các góp ý được gửi và đăng tải trên website duthaoonline của Văn phòng Quốc hội, nhiều đề xuất từ giới chuyên môn, người dân cũng gửi tới Dân trí. Qua đó có thể thấy rất nhiều người quan tâm tới nội dung sửa đổi bổ sung trong dự thảo Hiến pháp về chế định Chủ tịch nước.

Độc giả Phạm Gia Minh viết trên duthaoonline: “Việc sửa đổi Hiến pháp lần này phải quy định rõ Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, là người đứng đầu Nhà nước. Phải làm nổi bật vai trò của người đứng đầu tham gia các hoạt động đội nội và đối ngoại. Thủ tướng Chính phủ là người điều hành Chính phủ do Chủ tịch nước giới thiệu để Quốc hội bầu”. Cụ thể nội dung này, độc giả đề xuất quy định khi giới thiệu Thủ tướng để Quốc hội bầu, Chủ tịch nước chuẩn bị danh sách 3 ứng viên. Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên trực tiếp, không phải qua Quốc hội phê chuẩn. Theo dantri.com.vn.

 Xem chi tiết tại đây!

Đinh Lan tổng hợp


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.439
Hôm qua : 6.122
Tháng 04 : 185.581
Năm 2025 : 734.153
Tổng số : 84.691.086