Tiền xây biệt thự, sân tennis tính vào giá điện
![]() |
Tiền xây biệt thự, sân tennis tính vào giá điện
Theo vietnamnet.vn - Theo Thanh tra Chính phủ, công tác đầu tư xây dựng nhiều dự án điện phát sinh nhiều chi phí làm đội giá thành điện. Tại dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng, ngoài số tiền trên 167 tỉ đồng phải chi thêm ngoài hợp đồng tổng thầu EPC, còn phát sinh chi phí cho khoản dầu đốt lại lò do xảy ra sự cố phải ngừng hoạt động.
Đáng chú ý, nhiều dự án điện còn phát sinh thêm hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”. Đơn cử như nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1.
Thực tế, hạng mục này được xây dựng lại là nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis. Tổng diện tích lên tới 355.000 m2, giá trị đầu tư trên 595 tỉ đồng.
Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định. Xem chi tiết tại đây.
APEC tái khẳng định các ưu tiên cho kinh tế toàn cầu
Theo TTXVN - Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 và các Hội nghị liên quan, diễn ra từ 1-8/10 tại Bali, Indonesia, ngày 6/10 cũng tại đây đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với sự tham dự của trên 1.000 nhà quản lý doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Theo phóng viên TTXVN có mặt tại Bali, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2013 với chủ đề “Hướng tới trụ vững và tăng trưởng: Tái khẳng định các ưu tiên cho kinh tế toàn cầu” là một sự kiện thương mại hàng đầu của khu vực, để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm hướng tới tăng cường hợp tác vì phát triển và thịnh vượng chung.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono đã nhiệt liệt chào đón các đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời khẳng định cộng đồng doanh nghiệp là đối tác quan trọng trong việc thực hiện và đạt được mục đích của Hội nghị thượng đỉnh APEC nói riêng và APEC nói chung là tạo ra một nền tảng duy nhất để thảo luận về tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, góp phần đạt được tăng trưởng toàn diện bền vững trên toàn cầu, hợp tác cùng hướng tới một thế giới linh hoạt hơn, xây dựng cầu nối để phát triển và tạo ra nhiều cơ hội cho thương mại và đầu tư vì lợi ích của mọi người dân. Xem chi tiết tại đây.
Singapore kêu gọi APEC tiếp tục mở cửa thị trường
Theo TTXVN - Các doanh nghiệp Singapore mong muốn các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tiếp tục thúc đẩy tự do hóa, mở cửa thị trường, đồng thời chống chủ nghĩa bảo hộ.
Mong muốn trên được ông Ho Meng Kit, Giám đốc Điều hành Hội Doanh nghiệp Singapore, bày tỏ với báo giới tại Singapore.
Ông Ho Meng Kit cũng là một trong hai thành viên của Singapore tại Hội đồng tư vấn Kinh doanh của APEC (ABAC). ABAC gồm đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC, là một cơ quan thường trực, đại diện cho tiếng nói độc lập của doanh nhân và có vai trò chính thức trong Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thông qua cuộc đối thoại chính thức với các nhà lãnh đạo APEC. Xem chi tiết tại đây.
"Thần tốc" đưa điện lưới của quốc gia ra đảo Cô Tô
Theo vov.vn - Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô được xác định là một trong những dự án có ý nghĩa rất quan trọng, là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh. Trong những ngày này, Quảng Ninh đang “thần tốc” để hoàn thành và đưa lưới điện quốc gia ra đảo Cô Tô. Đây đang được coi là công trình đạt kỷ lục cả về thời gian, tiến độ và chất lượng.
Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô có tổng kinh phí 1.100 tỷ đồng, được khởi công từ cuối tháng 12/2012, do Tổng công ty Điện lực miền Bắc và tỉnh Quảng Ninh cùng làm chủ đầu tư. Đây là dự án đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ chôn ngầm cáp 22kV dưới đáy biển.Xem chi tiết tại đây.
Ký hợp đồng thiết kế Dự án lọc dầu Vũng Rô
Theo vov.vn - Chiều 6/10, tại Hà Nội, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh và Lễ ký kết Hợp đồng thiết kế tổng thể và trao thầu EPC cho Tập đoàn JGC (Nhật Bản) đối với Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy mô công suất dự án từ 4 triệu tấn/năm lên 8 triệu tấn/năm; với tổng mức đầu tư trên 3,1 tỷ USD. Diện tích đất sử dụng của dự án gần 540 ha, trong đó, hơn 400 ha đất xây dựng nhà máy. Ngoài ra dự án còn sử dụng từ 500 đến 1.300ha diện tích mặt nước. Xem chi tiết tại đây.
Kim Anh (tổng hợp)