Tổng hợp các tin tức về ATGT trên các báo
![]() |
Vietnamplus.vn – “Lập trung tâm để ứng phó sự cố cứu nạn đường sắt”
Ngày 1/8, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức ra mắt Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt.
Tại buổi ra mắt, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng khẳng định: “Trong bối cảnh Việt Nam đang chịu tác động mạnh về biến đổi khí hậu, thiên tai lũ quét thường xuyên xảy ra, việc thành lập Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt là cần thiết và cấp bách. Trung tâm đi vào hoạt động, sẽ góp phần khắc phục nhanh và có hiệu quả các sự cố xảy ra với giao thông đường sắt.”
Sau khi được thành lập, Trung tâm sẽ lấy nhiệm vụ phòng chống là chính, nhằm ngăn ngừa và xử lý kịp thời những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập; tên giao dịch quốc tế là "Vietnam Railway Rescue and Natural Calamity Response Centre" (VNRRRC), có trụ sở chính tại 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Trung tâm thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt theo quy định.
Trung tâm có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có các đơn vị phụ thuộc là các trung tâm khu vực tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai, cứu nạn đường sắt khác khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, Ủy ban An toàn Quốc gia và Bộ Giao thông Vận tải…
“Loạn biển báo giao thông” – tienphong.vn
Lần đầu tiên, Bộ GTVT tự đánh giá về tình trạng loạn tiêu chuẩn biển báo đường bộ: Sự không nhất quán về hệ số phản quang, kích cỡ, phông chữ... là tác nhân không nhỏ gây nên các vụ tai nạn giao thông (TNGT).
Theo tính toán của các chuyên gia giao thông, chỉ riêng các biển báo hiệu (chưa theo tiêu chuẩn về chất liệu phản quang), nếu thay tất cả theo tiêu chuẩn hiện hành chi phí khoảng trên 400 tỷ đồng.
Gần đây, nhiều người dân thắc mắc không hiểu biển báo mới xuất hiện dòng chữ “AH” có ý nghĩa gì. Ngay cả các PV theo dõi ngành giao thông cũng không dễ hiểu những biển này. Đặc biệt, chúng còn được đánh số thứ tự.
Được biết, Bộ GTVT vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương kiểm tra, rà soát, thay thế các biển báo hiệu đường bộ chưa phù hợp theo đúng quy định trong các tiêu chuẩn kỹ thuật (phải đúng loại phản quang và phông chữ).
Ngoài ra, tổng cục này phải thông báo các thông tin cần thiết đến các nhà đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình giao thông đường bộ (theo hình thức BOT, BT, BTO)... Bộ GTVT cũng yêu cầu đơn vị này phải hoàn thành điều chỉnh các biển báo trên quốc lộ trong 2 năm tới đây.
Hanoimoi.com.vn – “Từ 1/8, thí điểm tuần tra cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình “
Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho biết, từ 1/8, Cục phối hợp với các ngành hữu quan và lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội, Hà Nam, Nam Định sẽ thí điểm tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tổ chức tuần tra cơ động, sử dụng máy đo tốc độ và camera, máy ảnh giám sát... để phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về tốc độ, phần đường, làn đường, tránh vượt không đảm bảo khoảng cách an toàn, khi chuyển làn không thực hiện việc báo hiệu theo quy định...
Lực lượng tuần tra kiểm soát được dừng xe kiểm soát khi phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng và nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời (lái xe chạy lạng lách, đánh võng trên đường; đỗ, dừng không đúng quy định; xe đi ngược chiều) và xử lý nhanh chóng, đảm bảo không ảnh hưởng đến lưu thông của phương tiện.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông của Cục cũng sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam có kế hoạch rà soát, phát hiện kịp thời các bất hợp lý về tổ chức giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ để kiến nghị giải quyết kịp thời.
Các lực lượng cũng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật giao thông đường bộ, thông báo kết quả công tác tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông; lên án các hành vi cố tình gây mất trật tự an toàn giao thông... để người tham gia giao thông tự giác chấp hành, góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến cao tốc.
“Ðiều chỉnh việc phân luồng phương tiện giao thông” – nhandan.com.vn
Những năm qua, giao thông ở các đô thị không ngừng được đầu tư phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, nhằm bảo đảm lưu thông thuận tiện, an toàn cho người tham gia giao thông.
Nhìn chung, ý thức của người tham gia giao thông ở nước ta còn hạn chế, vì vậy, khi phân luồng cho các phương tiện, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến hình thức phân luồng hiệu quả hơn. Cần có sự khảo sát, cân nhắc kỹ hình thức, tỷ lệ chiều rộng ranh giới lưu thông cho các loại phương tiện sao cho hợp lý. Với những tuyến đường "nội đô cũ", khoảng cách các điểm giao cắt ngắn, đa phần cấm xe ô-tô tải, xe ô-tô khách, nên quy định tốc độ thấp hơn 30km/giờ, đặt dải phân cách cố định với luồng xe máy, xe đạp. Các tuyến đường đô thị khi đặt hàng rào cố định, cần được đầu tư cùng với hệ thống ca-mê-ra quan sát từ xa để kiểm soát và chủ động điều tiết giao thông. Ðây cũng là yếu tố cần thiết để tiến tới giám sát, xử phạt vi phạm hành chính bằng hình ảnh, giúp công tác quản lý phương tiện giao thông được hoàn thiện.
“Chống ùn tắc GT đang mang tính ứng phó” – vietnamnet.vn
“Việc lập, triển khai quy hoạch giao thông hiện chưa đồng bộ, công tác quản lý còn yếu kém, chưa tập trung đã gây áp lực lên kết cấu hạ tầng mà bộc lộ rõ nhất chính là ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiệt hại kinh tế”, ông Lý Huy Tuấn - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết.
Đô thị bị phụ thuộc xe máy; Nên kiểm soát phương tiện cá nhân…
Theo các chuyên gia, những giải pháp phân làn, xây cầu vượt lắp ghép, hạn chế xe cá nhân… đã và đang áp dụng ở Hà Nội và các đô thị lớn khác nhìn chung còn mang tính chất ứng phó, tình thế. Khả năng kiềm chế và tiến tới triệt tiêu nạn ùn tắc giao thông chưa thực sự có hướng giải quyết hiệu quả.
Các chuyên gia nhận định, để phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội, công cụ đầu tiên và quan trọng nhất đó là phải có một quy hoạch tổng thể phát triển có chất lượng cao, có thể chỉ ra, dự báo được các nhu cầu phát triển trong tương lai. Cụ thể, quy hoạch phát triển giao thông đô thị phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị và gắn kết với cải tạo và chỉnh trang bộ mặt kiến trúc đô thị.
Nguyễn Chanh (tổng hợp)