• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng hợp tin tức biển đảo những ngày qua

(laichau.gov.vn)
(laichau.gov.vn) 27 khu vực biển Việt Nam có khả năng tồn tại một trữ lượng lớn khí ga hydrate; Phú Yên: Thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá; Quảng Ninh: Gấp rút di dời các nhà bè trên Vịnh Hạ Long; Đầu tư trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển…

27 khu vực biển Việt Nam có khả năng tồn tại một trữ lượng lớn khí ga hydrate

Theo báo cáo nghiên cứu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện vùng biển Việt Nam có tới 27 khu vực có khả năng tồn tại một trữ lượng lớn khí gas hydrate. Dựa vào những kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân thành 4 vùng tiềm năng, xếp thứ tự A, B, C, D. Những vùng biển có tiềm năng lớn là vùng đảo Tri Tôn, Phú Khánh, Tây Nam Biển Đông, Khu vực Đình Trung và Vũng Mây. 27 khu vực có triển vọng lớn nhất với tổng diện tích là 269,26km2 nằm trong vùng triển vọng loại A. Khí hydrate là một chất kết tinh bao gồm phân tử nước và metan thường được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và tầng địa chất sâu dưới lòng đại dương, là nguồn nguyên liệu thay thế cho dầu lửa và than đá. Khí hydrate đã được các nhà khoa học trên thế giới xếp vào một trong 9 nguồn năng lượng sạch trong tương lai. Những phát hiện trên đã mở ra hướng nghiên cứu tài nguyên môi trường biển mới, với những tiềm năng kinh tế lớn cần được tiếp tục đầu tư khai thác. Theo cpv.org.vn.

Phú Yên: Thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá

Ngày 16/2, Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thí điểm thành lập Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 thuộc thành phố Tuy Hòa, với sự tham gia đại diện các chủ tàu và trưởng ban lạch. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất tập trung vận động ngư dân tham gia để đến giữa tháng 3/2012, nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên của tỉnh Phú Yên chính thức ra mắt tại phường 6 với ít nhất 50 hội viên. Trên cơ sở đó, Ban vận động phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn nghề cá tỉnh Phú Yên sẽ rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng với mục tiêu mỗi xã, phường ven biển hoặc mỗi nghề khai thác hải sản đều thành lập một nghiệp đoàn thu hút ít nhất 60% ngư dân làm việc trên các tàu khai thác hải sản vào tổ chức công đoàn. Tỉnh Phú Yên chọn phường 6 thành lập nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên là do địa phương này có nghề câu cá ngừ đại dương đầu tiên của cả nước. Tỉnh Phú Yên hiện có 741 tàu chuyên hành nghề đánh bắt xa bờ; trong đó phường 6 và phường Phú Đông thuộc thành phố Tuy Hòa có 332 chiếc và hàng năm sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt hơn 4.700 tấn, chiếm gần 85% sản lượng cá ngừ của tỉnh.

Phú Yên là một trong 4 tỉnh (gồm Phú Yên, Quảng Ngãi, Kiên Giang và Ninh Thuận) được Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chọn thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Trước đó, tỉnh Phú Yên cũng đã đánh giá lại thực trạng hoạt động của các tổ, đội sản xuất trên biển và đề ra mục tiêu đến năm 2015 thành lập 40 tổ, đội khai thác xa bờ đạt các tiêu chí của tổ đoàn kết sản xuất trên biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra. Đến năm 2020, toàn bộ tàu cá công suất từ 20 mã lực trở lên đều là thành viên của tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Tỉnh Phú Yên hiện có 7.228 tàu thuyền khai thác hải sản thu hút 25.750 lao động. Theo TTXVN.

Quảng Ninh: Gấp rút di dời các nhà bè trên Vịnh Hạ Long

Số lượng nhà bè ngày càng có xu hướng gia tăng; kiểu dáng, kích cỡ, vật liệu, màu sắc nhà bè chưa đảm bảo an toàn, phù hợp cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường kỳ quan Vịnh Hạ Long; công tác quản lý nhà bè còn nhiều hạn chế… là những nguyên nhân khiến chính quyền Quảng Ninh đang chỉ đạo gấp rút di dời các nhà bè trên Vịnh Hạ Long. Hiện, có khoảng 650 nhà bè với trên 2.000 nhân khẩu đang sinh sống và kinh doanh trên Vịnh Hạ Long. Các nhà bè phân bố chủ yếu tại các khu vực: nuôi trồng thủy sản, địa điểm du lịch, các điểm tránh trú bão… Từ năm 2005 trở lại đây, các nhà bè bắt đầu có xu hướng cố định tại chỗ và được đầu tư, cơi nới trở thành nơi ăn, chỗ ở, nơi nuôi trồng thủy sản và nhà hàng hải sản, hay những tụ điểm kinh doanh chế biến và ăn uống. Chính vì vậy, nhà bè trên Vịnh gây ra nguy hại tới Vịnh Hạ Long do lượng chất thải sinh hoạt của người dân và thức ăn nuôi thuỷ sản thả xuống Vịnh ngày một gia tăng; ảnh hưởng xấu đến hệ thống giao thông đường thủy nội địa, gây cản trở luồng tàu chạy trên biển. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã có chủ trương di dời các nhà bè trên vịnh về nơi neo đậu an toàn, theo quy hoạch của địa phương nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự Vịnh Hạ Long. Qua đó, tăng cường, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long; đảm bảo yếu tố an toàn, nâng cao điều kiện sống, dân trí cho nhân dân. Đồng thời, thành phố Hạ Long cũng xây dựng khu tái định cư tại phường Hà Phong để giải quyết nhu cầu lên bờ ổn định cuộc sống của một bộ phận hộ nhà bè. Theo TTXVN.

Tăng cường tuyên truyền về biển, đảo của Tổ quốc cho sinh viên

Ngày 14/2 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình phối hợp công tác năm 2012. Tại hội nghị, hai cơ quan đã trao đổi 5 nội dung chính sẽ triển khai năm 2012 gồm: hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”; chương trình “Góp đá xây Trường Sa”; tổ chức Học kỳ trên biển; tuyên truyền về biển, đảo và sơ kết các hoạt động phối hợp giai đoạn 2008 -2012. Theo đó, năm 2012 với chủ đề Doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo, Trung ương Đoàn và Quân chủng Hải quân tiếp tục tổ chức các chuyến tàu của tuổi trẻ tới thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang làm nhiệm vụ và sinh sống tại huyện đảo Trường Sa, nhà giàn và một số đảo của đất nước; tăng cường tuyên truyền cho sinh viên để đối tượng này có điều kiện nắm bắt thông tin về biển, đảo. Chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai từ năm 2008 đến nay thu hút hàng triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Chương trình đã có nhiều đột phá, mang ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của tuổi trẻ thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Minh Châu trên cpv.org.vn.

Đầu tư trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển

Tỉnh Nam Định triển khai Dự án đầu tư rừng phòng hộ ven biển nhằm khôi phục và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển để chắn sóng, bảo vệ đê biển đê sông, lấn biển, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, phòng chống thiên tai cho cộng đồng dân cư ven biển, điều hoà khí hậu, tôn tạo vẻ đẹp cảnh quan, cải thiện đời sống nhân dân và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trên tuyến biên giới biển của tỉnh. Được thực hiện từ nay đến năm 2014 với tổng kinh phí dự toán gần 46,7 tỷ đồng, dự án tập trung bảo vệ trên 2.203 ha rừng phòng hộ hiện có tại 3 huyện ven biển của tỉnh gồm Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thuỷ; trồng mới gần 1.530 ha, trong đó có trên 1.036 ha rừng phòng hộ tập trung, trồng bổ sung 405 ha rừng trồng có mật độ thấp tại huyện Nghĩa Hưng, 58 ha rừng chắn gió hại tại Hải Hậu và Giao Thuỷ, 29 ha cây cảnh quan môi trường, cảnh quan du lịch tại thị trấn Thịnh Long và Quất Lâm (huyện Giao Thuỷ). Ngoài ra, dự án còn đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng lâm sinh như nâng cấp vườn ươm giống cây lâm nghiệp và xây dựng mới vườn ươm giống cây ngập mặn tại vùng bãi bồi phía đông xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng). Nằm ở vùng Nam châu thổ sông Hồng, tỉnh Nam Định sở hữu 72 km bờ biển. Hằng năm, do phù sa sông Hồng bồi đắp ở cửa Ba Lạt và Lạch Giang, biển Nam Định lùi ra khoảng 100-200 m với diện tích khoảng 400 ha. Theo thống kê, khảo sát, diện tích đất thích nghi cho lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 12.000-14.000 ha, chủ yếu là trồng rừng phòng hộ ven biển thuộc các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Theo TTXVN.

Đinh Lan


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.515
Hôm qua : 4.875
Tháng 07 : 43.715
Năm 2025 : 1.147.829
Tổng số : 85.104.762